Căn cứ vào dự báo tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021, hầu hết người dân các huyện, thị phía Nam của tỉnh như Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa,... đều được khuyến cáo gieo sạ sớm hoặc chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã qua thời gian xuống giống theo lịch khuyến cáo nhưng nhiều nông dân ở huyện Tân Trụ vẫn tiếp tục gieo sạ lúa ĐX 2020-2021.
Xã Tân Bình có diện tích gieo sạ ngoài lịch thời vụ cao nhất với trên 470ha. Hầu hết diện tích lúa gieo sạ ngoài lịch đều từ 10-20 ngày tuổi, các giống lúa được chọn để gieo sạ là IR50404, Nàng Hoa, Đài thơm 8,...
Nhiều diện tích lúa Đông Xuân gieo sạ ngoài lịch thời vụ có nguy cơ bị thiệt hại nếu hạn, mặn xảy ra
Vụ ĐX 2019-2020, gia đình bà Lê Thu Thủy, ngụ ấp Bình Tây, xã Tân Bình, gieo sạ 1,5ha lúa Nàng Hoa. Nhờ lượng nước từ hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo và Nhà náy nước Nhị Thành, huyện Thủ Thừa mà lúa của gia đình bà không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Do đó, năm nay, sau khi thu hoạch vụ Thu Đông, bà Thủy quyết định tiếp tục xuống giống vụ ĐX mặc dù đã có khuyến cáo không nên gieo sạ của ngành Nông nghiệp địa phương. “Hiện tại, lượng nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo còn khá nhiều nên tôi quyết định xuống giống vụ mới. Tôi nghĩ năm nay cũng như năm trước, hạn, mặn sẽ không ảnh hưởng đến lúa của gia đình tôi” - bà Thủy chia sẻ.
Ở xã Bình Trinh Đông, ông Lê Thanh Hoài, ngụ ấp Bình Hòa, cũng vừa xuống giống vụ ĐX được khoảng 10 ngày. Lý giải về lý do gieo sạ muộn, ông Hoài bộc bạch: “Do ruộng tôi ở sâu bên trong nên từ việc cày bừa đến thu hoạch lúa đều diễn ra đồng loạt với các hộ xung quanh. Vụ này, họ gieo sạ trễ nên tôi cũng phải xuống giống trễ theo họ”.
Chủ tịch UBND xã Bình Trinh Đông - Nguyễn Hồng Dũng cho biết, vụ ĐX 2020-2021, toàn xã đã xuống giống trên 370ha, trong đó có gần 200ha gieo sạ ngoài lịch thời vụ. Một số người dân đã không tuân thủ khuyến cáo và tiến hành sạ 3 vụ. Trong năm qua, để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, xã tiến hành nạo vét, trục vớt lục bình ở các kênh, mương nội đồng trên địa bàn. Ngoài ra, xã còn tổ chức các cuộc hội thảo để khuyến cáo, vận động người dân xuống giống theo lịch thời vụ, chọn giống và chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ, vụ ĐX 2020-2021, toàn huyện đã xuống giống trên 3.200ha, trong đó có trên 1.800ha gieo sạ ngoài lịch thời vụ. Diện tích gieo sạ trễ, lúa mới được từ 10-40 ngày tuổi. Trong khi đó, độ mặn trên các tuyến sông chính trên địa bàn huyện đang tăng và hầu hết các cống ngăn mặn đều đã được đóng, lượng nước tích trữ trong các tuyến kênh, mương nội đồng sẽ bắt đầu giảm nhanh, do đó những diện tích lúa này có nguy cơ cao sẽ bị ảnh hưởng và thiệt hại.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết, do lượng mưa đầu mùa năm 2020 phân bố không đều, vì vậy mà việc gieo sạ của người dân bị ảnh hưởng. Cùng với đó, sau khi thu hoạch vụ lúa Thu Đông, nhận thấy lượng nước tích trữ trong hệ thống kênh, mương nội đồng còn nhiều nên nhiều người dân đã chủ quan và tiếp tục gieo sạ.
“Ngành Nông nghiệp huyện đã có văn bản phối hợp các xã, thị trấn khuyến cáo người dân tuân thủ lịch thời vụ, tuyệt đối không gieo sạ sau ngày 05/12/2020. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không tuân thủ khuyến cáo của ngành và tự ý gieo sạ ngoài lịch thời vụ. Đối với những diện tích này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo, yêu cầu ngành Nông nghiệp huyện khảo sát và nắm số liệu cụ thể để đưa những diện tích này ra khỏi diện được hỗ trợ nếu hạn, mặn có xảy ra và gây ảnh hưởng. Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tiếp tục gieo sạ vụ ĐX, ngành Nông nghiệp huyện cũng thường xuyên kiểm tra tình hình độ mặn trên các tuyến sông chính để kịp thời thông tin đến người dân. Hy vọng đợt hạn, mặn này sẽ không gay gắt và ảnh hưởng như những năm trước” - ông Đặng Văn Tây Lo cho biết thêm./.
Từ đầu tháng 01/2021, mặn đã bắt đầu xuất hiện trên các tuyến sông của tỉnh như Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện phía Nam và TP.Tân An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước trên website Phòng, chống thiên tai của tỉnh và trên các bản tin dự báo, cảnh báo về hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn của cơ quan chuyên môn về khí tượng - thủy văn như Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Đài Khí tượng - Thủy văn Long An để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên các đài truyền thanh huyện, xã về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và nội đồng. Đồng thời, khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn, tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng khi nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh nội đồng; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và tránh làm ô nhiễm nguồn nước, nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn. |
Bùi Tùng