Các trường nằm cặp tuyến quốc lộ dễ xảy ra tai nạn giao thông cho học sinh vì lượng phương tiện qua lại lớn
Tăng cường công tác tuyên truyền
Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An, tỉnh Long An) nằm trên Quốc lộ 1, lượng phương tiện qua lại lớn, nhất là giờ cao điểm nên có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn giao thông. Do vậy, việc tuyên truyền các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu cùng với công tác dạy và học.
Ngoài các tiết học ngoại khóa, nhà trường còn tích hợp các kiến thức về ATGT trong các tiết học chính, phối hợp lực lượng chức năng tuyên truyền cho HS.
Đặc biệt, để bảo đảm an toàn cho HS mỗi khi đến trường và giờ tan học, nhà trường phân công đội cờ đỏ cùng giáo viên hướng dẫn HS sang đường an toàn.
Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Lê Thanh Hải cho biết: “Để bảo đảm ATGT, nhà trường xây dựng mô hình Cổng trường ATGT. Lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp nhà trường tích cực tuyên truyền, giáo dục HS nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; không điều khiển các phương tiện khi chưa đủ tuổi theo quy định; đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy. Các đơn vị chức năng lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường tại khu vực cổng trường; hướng dẫn phụ huynh dừng đỗ xe đưa đón HS, sắp xếp phương tiện thành hàng lối, không gây cản trở giao thông,…”.
Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng (phường 4, TP.Tân An) chia sẻ: “Hàng ngày, khi đưa đón con đi học, tôi chấp hành nghiêm các quy định, bảo đảm ATGT cho bản thân cũng như con mình. Tôi cũng cam kết thực hiện nghiêm túc về bảo đảm ATGT cho HS cùng nhà trường trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học”.
Học sinh Trường THPT Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) thực hiện tốt việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
Trường THPT Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) giáo dục ATGT cho HS thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ. Ban Giám hiệu nhắc nhở HS đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi xe đạp điện, ngồi trên môtô, xe máy khi tham gia giao thông; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; quan sát an toàn khi qua đường;...
Ngoài ra, trường còn lồng ghép giáo dục ATGT trong các tiết học, tiết sinh hoạt lớp và các hoạt động ngoại khóa giúp HS nắm kỹ các quy định và có các kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Em Trần Thị Yến Nhi - HS lớp 11C6, Trường THPT Tân Thạnh, chia sẻ: “Em luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, chạy đúng tốc độ, làn đường và chú ý quan sát để kịp thời xử lý nếu có tình huống bất ngờ xảy ra”.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Tân Thạnh - Phan Văn Hà, ngay đầu năm học, trường triển khai cho phụ huynh ký cam kết, trong đó có các quy định về ATGT như không giao xe môtô, xe gắn máy cho HS khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho HS ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông,... Trường phối hợp địa phương thực hiện tốt mô hình Bảo đảm ATGT trước cổng trường; Cổng trường em sạch, đẹp, an toàn;... Qua đó, giúp HS nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Song song đó, Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, đội cờ đỏ giám sát, theo dõi tình hình thực hiện ATGT trong HS, nhắc nhở và ghi nhận những trường hợp vi phạm ATGT để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, giúp các em phòng tránh các vụ tai nạn đáng tiếc khi tham gia giao thông.
Đẩy mạnh các giải pháp
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, thời gian qua, tình hình bảo đảm trật tự, ATGT, ý thức chấp hành các quy định về ATGT đối với HS có những chuyển biến tích cực song chưa triệt để.
Tình trạng HS điều khiển xe đạp, xe máy lưu thông mất an toàn trước cổng trường sau giờ tan học vẫn còn diễn ra. Nhiều HS dàn hàng ngang trên đường, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe đạp điện, đi sai phần đường, làn đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi xe gắn máy khi chưa đủ tuổi,... gây mất an toàn cho chính bản thân và người tham gia giao thông khác.
Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An) phối hợp lực lượng chức năng tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh
Theo thầy Lê Thanh Hải, đa số HS của trường có ý thức chấp hành giao thông, tuy nhiên, qua theo dõi vẫn còn số ít HS còn sử dụng xe phân khối lớn. Thời gian tới, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các quy tắc tham gia giao thông cho HS; tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục ATGT, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho HS vào các buổi ngoại khóa và trong các tiết học, các buổi chào cờ. Trường tổ chức cho HS ký cam kết thực hiện chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT. Đối với các hành vi HS điều khiển xe môtô, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, sử dụng xe phân khối lớn cố ý vi phạm, tái phạm nhiều lần, phải xem xét, xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.
“Thời gian tới, nhà trường tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của HS trong việc tham gia giao thông. HS cần tôn trọng luật pháp, chấp hành nghiêm các quy định về ATGT, không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, không chạy quá tốc độ, không lạng lách, đánh võng; đồng thời, phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe máy, xe đạp điện, chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không chở quá số người quy định.
Trường cũng hướng dẫn phụ huynh đậu xe khi đưa đón HS đúng nơi quy định, tổ chức sơn vạch kẻ chỗ đậu xe, treo panô, áp phích, các khẩu hiệu tuyên truyền về ATGT nhằm trang bị cho HS, phụ huynh những kiến thức liên quan đến các quy định pháp luật về ATGT, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn về giao thông” - thầy Phan Văn Hà thông tin.
HS là tương lai của đất nước, sẽ tiếp nối công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, mỗi em cần có ý thức, trách nhiệm cao trong việc giữ gìn ATGT, bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của bản thân, đóng góp vào sự phát triển và an toàn của xã hội./.
Trung Kiên