Tết Trung thu ngày càng đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, nước giải khát, đặc biệt là các lại bánh trung thu ngày càng tăng cao. Kéo theo đó là nguy cơ xuất hiện các loại bánh không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, nhái ngày càng nhiều, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, các ngành chức năng tỉnh và địa phương cần tập trung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nhất là các loại bánh trung thu, nước giải khát, chú trọng các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình về điều kiện an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm.
Kiên quyết không để các cơ sở kinh doanh không có giấy phép, sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công bố công khai tên các cơ sở sản xuất, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng theo quy định của pháp luật.
Triển khai kế hoạch, bố trí lực lượng giám sát các trường hợp ngộ độc thực phẩm nhằm phát hiện sớm nguy cơ, sẵn sàng các phương án điều tra, khắc phục, giảm thiểu hậu quả của các vụ ngộ độc thực phẩm và các sự cố an toàn thực phẩm trong cộng đồng./.
Trọng Dũng