Vẫn còn ô nhiễm
Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn luôn được lãnh đạo tỉnh, ngành, địa phương quan tâm. Nhất là, rác thải sinh hoạt được tập trung thu gom, vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn liên tục tăng, gây ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý nhà nước. Ở một số địa phương, rác thải sinh hoạt bị ứ đọng do việc thu gom bị quá tải, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Tăng cường quản lý, thu gom, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, rác sinh hoạt trên địa bàn mặc dù được thu gom nhưng đôi lúc vẫn còn chậm, bị ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Tình trạng lén lút đổ rác và đốt rác gây ô nhiễm vẫn còn xảy ra gây bức xúc dư luận. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng, địa phương có giải pháp hữu hiệu hơn nhằm chấn chỉnh tình trạng trên.
Còn ông Trần Văn Minh, ngụ xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Rác sinh hoạt trên địa bàn được thu gom, xử lý, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề. Hiện rác thải sinh hoạt bị tồn đọng, thu gom không hết, gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, nhà máy xử lý rác tại địa phương vẫn còn gây ô nhiễm. Chúng tôi kiến nghị ngành chức năng phải có giải pháp chấn chỉnh kịp thời tình trạng trên”.
Theo thông tin từ Phòng TN&MT huyện Thạnh Hóa, việc thu gom, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn huyện được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác sinh hoạt vẫn còn xảy ra trên địa bàn. Nhà máy xử lý rác quá tải, gây ô nhiễm và bức xúc trong dư luận. Phòng thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường; hướng dẫn người dân ở xa khu dân cư đào hố chôn lấp, xử lý, tránh gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, phòng tham mưu UBND huyện có ý kiến, đề xuất với cấp trên vào cuộc xử lý tình trạng ô nhiễm do Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa gây ra.
Tăng cường quản lý
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn được lãnh đạo tỉnh, ngành rất quan tâm. Hiện nay, việc xử lý chất thải trên địa bàn của một số địa phương do Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, Khu liên hiệp Xử lý chất thải rắn Đa Phước và Công ty Cp Vietstar thực hiện.
Rác thải của huyện Tân Hưng, thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa đã được tỉnh đầu tư, lắp đặt lò đốt để xử lý rác thải sinh hoạt của các địa phương này. Đối với rác thải, huyện Vĩnh Hưng đổ tại bãi rác của huyện và Sở TN&MT đang thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp xử lý bãi rác để sản xuất phân compost phục vụ nhu cầu của huyện. Huyện Đức Huệ, rác sinh hoạt đổ tại bãi rác tạm của huyện.
Mô hình lò đốt rác tại gia đình được nhiều địa phương áp dụng, hạn chế ô nhiễm môi trường
Tuy nhiên, việc xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Một số nơi rác bị ứ đọng, nhà máy xử lý rác quá tải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Để việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được tốt, trước mắt, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đề nghị UBND TP.HCM gia hạn xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Đức Hòa tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi); rác của huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc tiếp tục được xử lý tại Khu Xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh). Rác của huyện Vĩnh Hưng được thu gom, xử lý tại nhà máy chế biến phân compost ở xã Thái Bình Trung; rác của thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa, Tân Hưng đốt tại lò đốt rác của huyện.
Các huyện: Đức Huệ, Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An chuyển rác về Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa để xử lý. Bên cạnh đó, thí điểm và nhân rộng mô hình xử lý rác thải hộ gia đình bằng cách ủ phân compost hoặc đốt đối với các hộ dân ở vùng nông thôn ít dân cư.
Về giải pháp lâu dài, Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện đôn đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa nâng công suất nhà máy xử lý rác thải lên 500 tấn/ngày đúng với tiến độ công ty đã cam kết. Yêu cầu công ty chủ đầu tư Khu Công nghệ Môi Trường Xanh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt công suất 1.000 tấn/ngày (khu đất do TP.HCM chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng). Tham mưu UBND tỉnh đầu tư 1 nhà máy xử lý cạnh Công ty Tâm Sinh Nghĩa (đất công do huyện quản lý khoảng 7ha), công suất 500 tấn/ngày theo hình thức đấu thầu dịch vụ xử lý rác. Hiện nay, UBND tỉnh đã báo cáo và được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất, thời gian tới sẽ triển khai thực hiện. Phối hợp các ngành kêu gọi đầu tư 1 nhà máy xử lý rác tại huyện Đức Huệ với công suất 250 tấn/ngày. Sớm đưa nhà máy cải tạo, nâng cấp rác Vĩnh Hưng vào vận hành trong quí I-2020. Nâng cấp lò đốt rác tại huyện Tân Hưng với công suất 25 tấn/ngày.
Mặt khác, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt thuộc địa bàn quản lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2019-2025 để chủ động giải quyết rác thải phát sinh trên địa bàn quản lý một cách triệt để nhất.
Sở sẽ phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tài chính tiếp tục đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ban hành phí thu gom rác thải phải bảo đảm chi trả đủ cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý, tiến tới giảm dần việc hỗ trợ từ ngân sách để bù lỗ. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân trong phân loại rác tại nguồn để giảm khối lượng rác, chi phí xử lý, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến về các lợi ích thiết thực của công tác này, dần dần thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, sau đó phổ biến, nhân rộng trong cộng đồng.
“Tin tưởng, với những giải pháp cụ thể đề ra, thời gian tới, công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ có những chuyển biến tích cực và đạt kế hoạch đề ra” - ông Nguyễn Tân Thuấn nhấn mạnh./.
Châu Sơn