Tăng huyết áp là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm phổ biến nhất trên thế giới. Tại nước ta, công tác phòng, chống tăng huyết áp được đưa vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế từ năm 2012 nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dự phòng và kiểm soát tăng huyết áp.
6 tháng đầu năm 2016, Long An có trên 16.000 người bị tăng huyết áp; ngoài ra, còn một số lượng lớn bệnh nhân tăng huyết áp ngoài cộng đồng chưa thống kê đầy đủ. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Long An, năm 2015, số lượt bệnh nhân tăng huyết áp khám ngoại trú là 56.317 lượt và điều trị nội trú 1.739 bệnh nhân. Từ đầu năm đến tháng 8/2016, bệnh nhân tăng huyết áp khám ngoại trú là 37.998 lượt và 1.109 bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, còn một lượng bệnh nhân nhập viện vì những bệnh khác, trong đó có tăng huyết áp kèm theo.
Người dân nên kiểm tra huyết áp định kỳ, thường xuyên theo dõi, nếu không có phương tiện đo huyết áp ở nhà thì đến cơ sở y tế gần nhất để đo
Bệnh nhân Phạm Quang Giới - cán bộ hưu trí ở phường 1, TP.Tân An cho biết: “Tôi bị tăng huyết áp hơn 20 năm nay, thường xuyên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, tôi còn có thêm bệnh tiểu đường, bị tim đập nhanh. Biết được sự nguy hiểm của bệnh, tôi tập thể dục mỗi ngày và hạn chế ăn mặn để duy trì sức khỏe”.
Theo Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Long An - Bác sĩ Trương Thị Trân Châu, tăng huyết áp thường không có dấu hiệu đặc trưng, thậm chí có khoảng 1/3 bệnh nhân bị tăng huyết áp mà không hề hay biết. Tăng huyết áp chỉ có một số triệu chứng như: Hoa mắt, chóng mặt, ù tai hoặc đôi khi thấy mặt đỏ, buồn nôn, mờ mắt, hồi hộp, đánh trống ngực hay khó thở,... nên bệnh nhân thường chủ quan, không chú ý. Người dân nên kiểm tra huyết áp định kỳ, thường xuyên theo dõi, nếu không có phương tiện đo huyết áp ở nhà thì đến cơ sở y tế gần nhất để đo.
Hiện tại, có trên 90% người bệnh tăng huyết áp không có nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát), chỉ dưới 10% là có nguyên nhân. Trong nhóm tăng huyết áp vô căn, yếu tố nguy cơ là tuổi tác - tuổi càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng cao; yếu tố di truyền - trong gia đình có người tăng huyết áp thì tỷ lệ tăng huyết áp cũng cao hơn; người bị béo phì, thừa cân, vòng bụng to - trên 90cm (nam giới), 80cm (nữ giới) dễ có nguy cơ tăng huyết áp. Ngoài ra, những người ít vận động, thường xuyên căng thẳng, lo âu cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ tăng huyết áp với các nguyên nhân do viêm cầu thận cấp/mạn, suy thận, thận đa nang, hẹp động mạch thận,... các bệnh liên quan đến bệnh nội tiết như bệnh lý của tuyến giáp, tuyến yên, u tủy thượng thận, cường giáp;... Ngoài ra, việc sử dụng thuốc ngừa thai, một vài loại thuốc điều trị cảm cúm có chất co mạch cũng gây ra tình trạng tăng huyết áp.
Tăng huyết áp diễn biến thầm lặng nhưng gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể nên còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Tăng huyết áp gây biến chứng lên não (như xuất huyết não, nhồi máu não), tim (cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim), biến chứng lên các mạch máu lớn (phình máu cấp động mạch chủ), mạch máu ngoại biên, mắt dẫn đến mù lòa, thận (tiểu ra protein, suy thận),...
Tăng huyết áp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Châu khuyến cáo, trên thực tế, Đông y có nhiều nghiên cứu về các loại thảo dược có tác dụng giảm tăng huyết áp. Các loại thảo mộc, thảo dược có chứa nhiều chất chống oxy hóa, không những tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp mà còn có thể ngăn ngừa các bệnh lý khác. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tham khảo lời khuyên từ thầy thuốc chứ không được tự ý nghe lời mách bảo, các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc.
Tăng huyết áp cũng có điều trị không dùng thuốc, vừa phòng và điều trị, bệnh nhân cần dựa vào những yếu tố nguy cơ để có biện pháp hạn chế, kiểm soát tác hại của tăng huyết áp. Người bệnh cần ăn uống ít muối (dưới 6g/ngày), ăn nhiều rau, củ, quả, đặc biệt là các loại nhiều kali như chuối già, tập thể thao thường xuyên như đi bộ 30-60 phút/ngày. Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, không hút thuốc, không quá lo âu, căng thẳng - Bác sĩ Châu cho biết thêm.
Tăng huyết áp là bệnh mãn tính, phải điều trị suốt đời và gây những biến chứng nghiêm trọng. Mọi người cần có máy theo dõi tăng huyết áp thường xuyên, tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc về chế độ ăn uống, có lối sống lành mạnh, tích cực để duy trì sức khỏe./.
Phạm Ngân