Tiếng Việt | English

15/09/2021 - 08:51

Tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trong mùa dịch

Thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Long An gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, nhằm bảo đảm ổn định lương thực tại chỗ, cung cấp nông sản ra thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng các ngành liên quan tích cực triển khai nhiều giải pháp để nông dân vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Duy trì sản xuất nông nghiệp

Trong lúc tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp ưu tiên cho việc vận chuyển các vật tư, nguyên liệu,... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, ở những địa phương thực hiện theo Chỉ thị số 16, nông dân thu hoạch nông sản vẫn được ưu tiên ra đường khi bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch như có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn tại nơi cư trú về việc thu hoạch nông sản và có giấy xét nghiệm âm tính với virút SARS-CoV-2 trong thời gian 72 giờ.

Người dân vừa duy trì sản xuất, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải, từ đầu năm 2021 đến nay, nhất là khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, tình hình sản xuất và tiêu thụ trái thanh long trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện có khoảng 9.100ha thanh long, trong đó có 8.500ha đang cho trái. Dự kiến trong tháng 9, nông dân trên địa bàn huyện sẽ thu hoạch khoảng 10.000 tấn thanh long.

Ngay từ cuối tháng 8, thời điểm huyện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ thanh long, huyện đã tổ chức test nhanh kháng nguyên Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm PCR miễn phí cho lực lượng lao động trong sản xuất thanh long tại địa phương và công nhân, người vận chuyển của các kho, cơ sở thu mua thanh long, nếu có kết quả âm tính mới được ra đồng và vào kho, cơ sở thu mua thanh long làm việc.

“Thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 toàn dân, huyện Châu Thành đã tiêm vắc-xin cho gần 90.000 người từ 18 tuổi trở lên, đạt gần 100% tổng số người trong độ tuổi quy định được tiêm phòng, trong đó có trên 2.600 người đã tiêm 2 mũi. Đến nay, huyện cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh và tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên người dân có thể di chuyển và tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp trên phạm vi toàn huyện nhưng người dân vẫn phải bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định” - ông Khải thông tin thêm.

Người dân vừa duy trì sản xuất, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch

Còn tại huyện Tân Thạnh, thời điểm này, nông dân đang thu hoạch lúa Thu Đông sớm. Để việc thu hoạch, vận chuyển lúa được dễ dàng, không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp huyện tham mưu UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn chủ động rà soát danh sách thương lái, người bốc vác, chủ máy gặt đập liên hợp trên địa bàn huyện để thông báo yêu cầu thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời, thông báo đến các thương lái, bốc vác ngoài huyện khi muốn vào địa phương cần phải có giấy test nhanh SARS-CoV-2 tại Trung tâm Y tế huyện.

Ông Nguyễn Văn Năm (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Khi ra đồng thu hoạch lúa, tôi chú ý đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn và không tập trung đông người. Vụ Thu Đông sớm năm nay tương đối thuận lợi, ít sâu, bệnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá lúa không cao, lợi nhuận không nhiều. Song song đó, việc thu hoạch lúa cũng gặp một số khó khăn do thiếu nhân công bốc vác, phương tiện vận chuyển. Hiện gia đình tôi chuẩn bị cày đất để đón lũ”. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Thạnh - Mai Văn On cho biết: “ Địa phương luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để người dân sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện giá lúa giảm so cùng kỳ, chỉ còn từ 4.300-5.800 đồng/kg (tùy loại giống). Với giá này, nông dân có lợi nhuận không nhiều”.

Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho nông dân thu hoạch thì việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản cũng được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần không để đứt gãy nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thông tin: “Đến nay, nhiều nông sản của tỉnh đã được tham gia vào các sàn thương mại điện tử: Postmart, Lazada, Sendo,... và các hệ thống phân phối như Co.op Mart, San Hà, Bách Hóa Xanh, Bưu điện Long An, Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh, Hiệp hội Thanh long Long An,... để có thể dễ dàng tiêu thụ, hạn chế tình trạng ùn ứ, không có đầu ra cho nông dân”.

Bảo đảm phòng, chống dịch

Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Sản xuất và Kinh doanh Giống Cây trồng Hoa Vàng (huyện Tân Thạnh) - Lê Tuấn Nguyền cho biết: “Cty chuyên kinh doanh các loại giống lúa chất lượng phục vụ nông dân trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, vùng lúa nguyên liệu của Cty đang bước vào giai đoạn thu hoạch; đồng thời, một số khách hàng cũng đặt giống để chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo. Do đó, trường hợp nhân viên thu mua lúa, tài xế, đội bốc vác làm việc trong huyện thì chỉ cần áp dụng tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Trường hợp đội bốc vác, nhân viên thu mua lúa, tài xế làm việc ngoài huyện thì Cty xin giấy xác nhận tại địa bàn cư trú và test nhanh Covid-19 tại Trung tâm Y tế”.

Người dân được tạo điều kiện để thu hoạch nông sản

Tại huyện Cần Đước, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; đồng thời, thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng, chống dịch. Ông Lê Văn Viện (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Trước khi dịch bệnh bùng phát, tôi thường thu hoạch rau rồi mang ra chợ bán. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, sau khi thu hoạch sẽ tập kết rau tại một địa điểm và có một người đại diện bán. Giá bán rau vẫn như bình thường, không giảm nhiều so với trước”.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp huyện đã tăng cường hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm nguồn lợi kinh tế cho nông dân. Theo đó, ngành Nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch để nông dân vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Hiện toàn huyện có khoảng 700ha rau màu, hơn 600ha thủy sản và gần 1,1 triệu con gia súc, gia cầm.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng nhận định: “UBND huyện luôn quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về giãn cách xã hội. Đồng thời, huyện cũng bảo đảm việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa duy trì sản xuất nông nghiệp, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Các ngành chức năng của huyện cũng đã có giải pháp để tạo điều kiện cho người dân sản xuất, hạn chế tập trung đông người, bảo đảm đời sống trong thời điểm dịch bệnh hiện nay”.

Công nhân làm việc tại các cơ sở thu mua thanh long được test nhanh Covid-19 3 ngày/lần

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhất là dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò, cúm gia cầm A/H5N8,... Tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm dịch động vật, vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật, các loại thuốc, vắc-xin, thức ăn cho động vật và vật tư đầu vào phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật.

“Sở yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân ra đồng thu hoạch vụ lúa Hè Thu và xuống giống vụ Thu Đông. Song song đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nhân rộng các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị hiệu quả, bảo đảm năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Đồng thời, ngành Nông nghiệp các địa phương cần nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì các chuỗi cung ứng nông sản, bảo đảm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản và không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân” - bà Khanh cho biết./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết