Những tín hiệu tích cực
6 tháng đầu năm 2021, ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh có bước phát triển ổn định và khá toàn diện. Tổng diện tích gieo trồng đạt 477.706ha, năng suất (khô) bình quân ước 64,3 tạ/ha, sản lượng 1.722.961 tấn, đạt 63,8% kế hoạch (2,7 triệu tấn), bằng 102,9% so cùng kỳ năm 2020. Hầu hết cây trồng chính có năng suất, sản lượng vượt kế hoạch, tăng khá so cùng kỳ năm 2020. Một số loại cây ăn trái chủ lực như thanh long, chanh,... hiện vào vụ thu hoạch.
Ước tính, sản lượng thanh long thu hoạch tháng 8, 9 sẽ hơn 46.000 tấn; sản lượng chanh cũng sẽ hơn 10.000 tấn trong 2 tháng tới. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất, tiêu thụ một số loại nông sản gặp nhiều khó khăn. Giá nông sản giảm từ 30 - 40%; giá vật tư phục vụ sản xuất tăng 10 - 15%; giá lao động, chi phí vận chuyển cao gấp 5 - 7 lần.
Dự kiến sau khi có “luồng xanh”, việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, thanh long sẽ tăng giá
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Qua khảo sát và nắm thông tin từ các hợp tác xã (HTX), hiện nay, giá rau, củ, quả tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với thời điểm trước giãn cách xã hội, sản lượng tiêu thụ tăng do nhu cầu tăng; thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các cửa hàng tiện ích, Co.opMart,… nên không bị ảnh hưởng nhiều khi các chợ đầu mối tại TP.HCM tạm ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, thanh long, chanh bị ảnh hưởng nhiều do thị trường tiêu thụ chủ yếu là ngoài nước; trong khi đó, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn nên thương lái ít thu mua dẫn đến giá thanh long và chanh giảm so cùng kỳ. Riêng con tôm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thị trường tiêu thụ của tôm chủ yếu là các chợ đầu mối tại TP.HCM nhưng tất cả chợ này đều ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), không chỉ Long An gặp khó trong việc tiêu thụ nông sản mà các tỉnh, thành phía Nam đều bị ảnh hưởng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 3149/QĐ-BNN-VP, ngày 18/7/2021 về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19 (gọi tắt là Tổ công tác 970) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng.
Tính đến ngày 25/7/2021, có 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác Bộ NN&PTNT, gồm: Rau, củ, trái cây, thủy sản, lương thực,... Riêng tại Long An có 27 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác Bộ NN&PTNT.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Long chuẩn bị thu hoạch đọt rau lang. Hiện có 2 công ty hợp đồng thu mua tại ruộng . Ảnh tư liệu
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Long (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng) - Hoàng Đăng Tân chia sẻ: “Hiện nay, HTX chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch đọt rau lang, bình quân mỗi ngày từ 2 - 3 tấn. Một số thành viên HTX trồng bông súng và nuôi vịt đẻ cũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Trong tình hình tiêu thụ nông sản khó khăn nên sau khi Bộ NN&PTNT cho đăng ký đầu mối tiêu thụ nông sản, HTX đã đăng ký để tìm đầu ra ổn định. Sau khi đăng ký, có 2 công ty đăng ký thu mua đọt rau lang và bông súng tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg, trứng vịt thì theo giá thị trường”.
Huyện Châu Thành đang thu hoạch thanh long vụ chính, sản lượng ước đạt 15.000 tấn. Những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá bán trái thanh long rất thấp, thanh long ruột trắng chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, ruột đỏ từ 3.000 - 6.000 đồng/kg. Song, từ khi đăng ký phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” đã tạo điều kiện cho nhiều công ty, HTX thu mua và vận chuyển nông sản thuận lợi, góp phần nâng giá cho nông sản.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh - Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ: “Hiện Hiệp hội Thanh long tỉnh khuyến khích các HTX, công ty, doanh nghiệp đăng ký “luồng xanh” để bảo đảm vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, nhanh chóng. Qua khảo sát, nhiều đơn vị có nhu cầu mua thanh long với giá thấp nhất 10.000 đồng/kg nhưng việc vận chuyển khó khăn. Đến nay, một số HTX đã đăng ký được “luồng xanh” nên dự kiến giá thanh long sẽ tăng lên, việc tiêu thụ sẽ ổn định hơn”.
Còn nhiều khó khăn
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa, trên địa bàn huyện có nhiều loại nông sản như lúa, chanh,... và một số loại thủy sản như ếch, cá,... đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Do huyện đang thực hiện giãn cách xã hội nên ảnh hưởng rất nhiều đến đầu ra nông sản. Hiện giá bán của các loại nông sản này giảm gần 1/2 so mùa vụ cùng kỳ. Trước thực trạng đó, các phòng, ban, ngành huyện đã vào cuộc hỗ trợ người dân tiêu thụ nhưng số lượng không đáng kể.
Vụ này, nhiều người trồng chanh tại huyện Thạnh Hóa cũng thất thu do khâu tiêu thụ bị ách tắc. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, trên địa bàn huyện hiện có hơn 600ha chanh và hầu hết đều trong giai đoạn cho trái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá chanh giảm, chỉ còn khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg, so với trước giảm 8.000 đồng/kg. “Mặc dù vụ này người dân chủ động bỏ bớt trái do khó tiêu thụ nhưng sản lượng chanh vào vụ thu hoạch cũng khá nhiều. Ngành Nông nghiệp huyện cùng các ban, ngành liên quan đang tích cực liên hệ các doanh nghiệp thu mua để tìm đầu ra cho nông sản” - ông Kha cho biết thêm.
Nhiều hộ nuôi ếch ở Tân Thạnh cũng đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ
Nhiều hộ dân nuôi ếch tại xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh cũng đang gặp khó khăn về việc tiêu thụ. Anh Nguyễn Văn Thời (ấp Kênh Bích, xã Tân Ninh) chia sẻ: “Gần 10 tấn ếch thương phẩm của gia đình tôi đã quá ngày xuất bán nhưng vẫn chưa liên hệ được thương lái. Hầu hết thương lái đều từ chối mua do khó khăn trong khâu vận chuyển. Tình hình này càng kéo dài thì gia đình tôi càng lỗ nặng hơn. Hy vọng chính quyền địa phương sớm có giải pháp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ ếch”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh thông tin, hiện việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian giãn cách xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, các doanh nghiệp xay xát lúa trên địa bàn không thực hiện được “3 tại chỗ” nên phải tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, các thương lái, ghe, tàu từ tỉnh khác đến thu mua, vận chuyển cũng rất hạn chế do tình hình dịch bệnh. Để hỗ trợ nông dân, Sở công bố đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch cũng như tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Người trồng chanh bỏ bớt trái nhưng sản lượng vẫn cao. Ảnh tư liệu
“Nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt ra mục tiêu là ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân nhằm giảm gánh nặng đầu ra của nông sản. Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh, phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương có giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng đẩy mạnh áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng; kiểm dịch, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín,… nhằm góp phần ổn định giá và tìm thị trường tiêu thụ nông sản bền vững hơn cho nông dân trong thời gian tới” - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm./.
Người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do việc tiêu thụ ở các chợ đầu mối tại TP.HCM tạm ngừng hoạt động
Nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt ra mục tiêu là ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân nhằm giảm gánh nặng đầu ra của nông sản”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh
|
Lê Ngọc - Minh Tuệ