Tiếng Việt | English

10/01/2024 - 10:40

Tập trung các giải pháp phát triển công nghiệp nhanh và bền vững

Với lợi thế, tiềm năng, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh nhằm hiện thực hóa Đề án Phát triển nhanh và bền vững tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh Long An là “điểm sáng” trong thu hút đầu tư

Tỉnh Long An là “điểm sáng” trong thu hút đầu tư

“Điểm sáng” trong thu hút đầu tư

Năm 2023, tình hình KT-XH của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi, đạt 5,77%, mặc dù còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá so với cả nước. Tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, chủ động tiếp cận các tổ chức, nhà đầu tư lớn, các dự án (DA) phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo thống kê, trong năm 2023, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới, số DA FDI, số vốn đăng ký của DA đầu tư trong và ngoài nước tăng so với cùng kỳ. Về đầu tư trong nước, thành lập mới 1.928 DN, tăng 14% với tổng vốn đăng ký 21.703 tỉ đồng, hiện toàn tỉnh có 16.991 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 373.087 tỉ đồng.

Đối với đầu tư nước ngoài, năm 2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 116 DA, tăng 57 DA với vốn đầu tư cấp mới 594,96 triệu USD, tăng 37,1% so cùng kỳ. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.245 DA FDI, tổng số vốn đạt trên 10,6 tỉ USD, trong đó có 588 DA đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư trên 3,62 tỉ USD.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phục hồi kinh tế, cải cách hành chính, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN và các nhà đầu tư, PCI của tỉnh có sự bứt phá khi tăng 6 bậc, vươn lên vị trí tốp 10 các tỉnh, thành phố có PCI tốt nhất năm 2022.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, mặc dù tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và thu hút các DA đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vượt trội so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng so với các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ thì công nghiệp hỗ trợ của tỉnh vẫn còn hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 200 DA thuộc danh mục 6 nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Trong đó, ngành dệt may, da giày chiếm khoảng 47%; ngành cơ khí chế tạo khoảng 21%; còn lại phân bố ở các nhóm ngành điện tử, sản xuất, lắp ráp ôtô và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Phần lớn các DA công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn mang tính đơn giản, chưa đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, mẫu mã và chưa có được tính cạnh tranh cao, chưa phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hệ thống, tỷ trọng đóng góp cho ngành công nghiệp còn thấp. Tính liên kết giữa các DN trong tỉnh với các DN FDI còn yếu, DN công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị của DN FDI; nhiều DN FDI vẫn còn sử dụng nhiều nguyên liệu cũng như sản phẩm, bán thành phẩm được nhập khẩu, nhất là khi ngày càng có nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực khiến nhiều hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu có thuế suất rất thấp. Đặc biệt, tỉnh thiếu DN “dẫn đầu” phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu

Từ thực tiễn đó, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng tập trung chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, xanh và sạch. Trong đó, đối với công nghiệp hỗ trợ, phải kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các DN nội địa; đồng thời, tập trung đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày; linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng điện, điện tử; linh kiện và phụ tùng máy gia công cơ khí và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may, công nghiệp điện tử và cơ khí chế tạo.

“Để thực hiện mục tiêu đó, Sở Công Thương đang tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 tập trung vào 5 lĩnh vực: Công nghiệp, năng lượng, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, hội nhập kinh tế quốc tế gắn với nhiệm vụ, giải pháp của Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ” - bà Châu Thị Lệ cho biết.

Quy trình sản xuất được áp dụng khoa học - kỹ thuật thông minh, tự động hóa, giảm sử dụng sức lao động

Quy trình sản xuất được áp dụng khoa học - kỹ thuật thông minh, tự động hóa, giảm sử dụng sức lao động

Ngành Công Thương xác định, tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, tạo bước đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm với những sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tăng hàm lượng tri thức trong sản phẩm công nghiệp.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng, lao động sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp. Phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học; công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa;...

Đồng thời, ngành Công Thương tập trung thực hiện phương án phân bố không gian phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng gắn với các vùng động lực, trung tâm, hành lang kinh tế trọng điểm phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác tại Luật Quy hoạch, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng, địa phương về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực,...

Trong đó, cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các chuỗi liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa phương nhằm tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

“Để bảo đảm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nhanh và bền vững tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với lĩnh vực công nghiệp, ngành xác định ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, ưu tiên vào các ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực như dệt may, da giày, cơ khí chế tạo và các ngành phát triển khi có cơ hội như điện tử - tin học. Trong phát triển công nghiệp, ngành Công Thương tập trung thực hiện phương án tổ chức không gian phát triển công nghiệp tỉnh theo 4 vùng. Trong đó, Vùng 1 - vùng trung tâm TP.Tân An - Bến Lức ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, hình thành mới vùng công nghiệp tập trung tại đô thị Bến Lức; Vùng 2 - vùng phía Bắc huyện Đức Hòa, phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến; Vùng 3 - vùng phía Đông huyện Cần Giuộc - Cần Đước hình thành khu công nghiệp tập trung, công nghiệp cảng tại Cảng Quốc tế Long An và Vùng 4 - vùng phía Tây thị xã Kiến Tường hình thành, phát triển khu công nghiệp phi thuế quan cửa khẩu Long An” - bà Châu Thị Lệ cho biết thêm.

Ngoài những giải pháp phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiện tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về công nghiệp hỗ trợ, theo hướng giảm bớt các điều kiện, đơn giản hóa thành phần hồ sơ để DN được cấp giấy xác nhận ưu đãi đối với DA sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, giúp các DN tiếp cận được các chính sách hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, các bộ, ngành cũng cần khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm, cụ thể hóa quy định các chính sách ưu đãi cho DA công nghiệp hỗ trợ theo của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các DN công nghiệp hỗ trợ./.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nhanh và bền vững tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với lĩnh vực công nghiệp, ngành xác định ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, ưu tiên vào các ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực như dệt may, da giày, cơ khí chế tạo và các ngành phát triển khi có cơ hội như điện tử - tin học”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ

Kiên Định

Chia sẻ bài viết