Tiếng Việt | English

29/06/2017 - 11:16

Tập trung phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá

Nông dân không tuân thủ lịch thời vụ, gieo sạ liên tiếp, không có thời gian cách ly giữa 2 vụ là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) hoành hành trong vụ lúa Hè Thu (HT) năm 2017.

Sâu, bệnh hoành hành

Sau thời gian dài “vắng bóng”, đến vụ lúa HT năm 2017, bệnh VL-LXL lại tiếp tục xuất hiện với diện tích nhiễm trên 1.700ha. Bên cạnh đó, rầy nâu diện tích nhiễm khoảng 3.672ha. Đây là môi giới truyền bệnh VL-LXL ở vụ HT này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh (người đứng thứ 3, phải qua) khảo sát tình hình bệnh vàng lùn - lùn xoắn tại huyện Tân Thạnh

Vụ lúa HT năm nay, toàn tỉnh Long An hiện được gieo sạ khoảng 220.111ha, đạt 99,3%; đến nay, thu hoạch trên 41.030ha, năng suất khô ước đạt 55 tạ/ha, sản lượng 227.317 tấn. Nhưng trong đó, có 63.000ha gieo sạ ngoài lịch thời vụ. Đặc biệt, tại các huyện có đê bao, nông dân tập trung sản xuất 3 vụ lúa liên tục và gieo sạ không tuân thủ theo lịch khuyến cáo của cơ quan chuyên môn là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh VL-LXL.

Diện tích nhiễm VL-LXL phát sinh tại các huyện: Tân Hưng (khoảng 210ha), Tân Thạnh (khoảng 1.400ha), Mộc Hóa (120ha) và một phần diện tích của thị xã Kiến Tường (khoảng 11ha).

Đang xót lòng nhổ những cây lúa có lá màu vàng hoe vì nhiễm bệnh VL-LXL, ông Nguyễn Thanh Việt (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) than thở: “Lâu lắm rồi, bệnh này không xuất hiện nhưng năm nay, ruộng lúa nhà tôi bị nhiễm nên trở tay không kịp. Hiện, toàn bộ 1ha bị bệnh VL-LXL tấn công với tỷ lệ khoảng 20-30%”.

Theo quan sát của chúng tôi, không riêng gì ruộng của ông Việt mà rất nhiều ruộng lúa nơi đây đều bị nhiễm bệnh với tỷ lệ trên 10%. Những cây lúa bị bệnh có chiều cao, số nhánh trong bụi bị giảm, còn lá thì có màu vàng rồi chuyển sang cam và khô dần, khi nhổ lên thì rễ lúa bị thối.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On: “Đến nay, diện tích lúa HT toàn huyện gieo sạ được 30.790ha, trong đó, diện tích thu hoạch 21.156ha. Diện tích lúa bị nhiễm bệnh chủ yếu là bệnh VL-LXL khoảng 1.400ha, trong đó, tập trung ở xã Hậu Thạnh Đông khoảng 540ha (150ha thiệt hại trên 50%), Tân Lập khoảng 610ha (255ha thiệt hại trên 50%), còn lại Hậu Thạnh Tây và các xã khác. Đối với những diện tích nhiễm bệnh đã thu hoạch thì năng suất lúa giảm 30-50%”.

Lúa nhiễm bệnh, năng suất giảm 30-50%

"Sau hơn 10 năm, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá được quản lý tốt, nông dân có phần chủ quan nên “xé rào” không gieo sạ theo lịch khuyến cáo, không gieo sạ tập trung, đồng loạt, không bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây hại trên lúa vụ Hè Thu 2017".

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, bệnh VL-LXL xuất hiện trên lúa HT 2017 xuất phát từ một số nguyên nhân: Do thâm canh, tăng vụ, một số huyện trong vùng Đồng Tháp Mười có đê bao khép kín nên nông dân canh tác 3 vụ/năm, thậm chí là 2 năm 7 vụ.

Sau hơn 10 năm, bệnh VL-LXL được quản lý tốt, nông dân có phần chủ quan nên “xé rào” không gieo sạ theo lịch khuyến cáo, không gieo sạ tập trung, đồng loạt, không bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa. Với việc gieo sạ liên tục như vậy, trên cùng một vùng có nhiều giai đoạn sinh trưởng của cây lúa nên tạo điều kiện thuận lợi cho rầy di trú sang những ruộng lân cận có trà lúa nhỏ hơn.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên sinh vật gây hại dễ bùng phát và tái phát hơn so với những năm trước; nông dân có khuynh hướng sạ dày trở lại, bón nhiều phân đạm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên khả năng bộc phát rầy nâu là rất cao và do áp lực từ các trạm bơm,... cũng là nguyên nhân để nông dân gieo sạ, không theo khuyến cáo.

Cần tập trung phòng bệnh

“Hiện nay, trước áp lực rầy nâu, bệnh VL-LXL ngày càng gia tăng, ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung: Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình rầy nâu, bệnh VL-LXL trên các phương tiện thông tin truyền thông; vận động nông dân thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện sớm bệnh và có biện pháp quản lý phù hợp, tăng cường chăm sóc để tăng khả năng đền bù của cây lúa trên những ruộng xuất hiện bệnh nhẹ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại; theo dõi và nắm chắc tiến độ gieo sạ, cơ cấu giống ở từng vùng, theo dõi diễn biến các loại sinh vật gây hại, khoanh vùng những khu vực xuất hiện rầy nâu, ruộng bị bệnh VL-LXL, sử dụng thuốc trừ rầy đặc hiệu, không để rầy phát tán bệnh lây lan trên diện rộng, báo cáo kịp thời về diễn biến rầy nâu, bệnh VL-LXL; theo dõi bẫy đèn, theo dõi đợt rầy trưởng thành, xác định thời gian rầy cám nở rộ để có biện pháp quản lý kịp thời, khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết và khi sử dụng thuốc BVTV, phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, không được lạm dụng thuốc BVTV để trừ rầy nâu; đối với những diện tích lúa sạ trong vòng 2 tuần, cần đưa nước vào ruộng để chắn rầy trưởng thành khi có rầy di trú từ nơi khác đến.

Vụ Thu Đông 2017, cần kiên quyết chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo lịch né rầy, bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất 3 tuần và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, áp dụng quản lý dịch hại theo IPM nhằm hạn chế bệnh VL-LXL lây lan, bùng phát thành dịch trong vụ Thu Đông 2017 và Đông Xuân 2017-2018” - ông Nguyễn Chí Thiện thông tin.

Nông dân cần chủ động phòng trừ sâu, bệnh trên lúa

Sau khi đi kiểm tra tình hình sâu, bệnh trên lúa ở vùng Đồng Tháp Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo: “Trước nguy cơ bệnh VL-LXL lây lan và phát tán theo rầy nâu di trú sang các trà lúa kế tiếp là rất cao, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế quan tâm phối hợp chỉ đạo Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tập trung phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL để bảo vệ sản xuất lúa HT và Thu Đông 2017. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ, khẩn trương kiểm tra, rà soát diện tích, mức nhiễm rầy nâu, bệnh VL-LXL và báo cáo kịp thời; rà soát lại các diện tích chuẩn bị xuống giống, nhất là khu vực chịu ảnh hưởng rầy di trú từ các vùng lúa nhiễm bệnh, kiên quyết không xuống giống trong khu vực có lúa nhiễm bệnh chưa thu hoạch; tham mưu cụ thể lịch xuống giống “né” cao điểm rầy di trú cho từng khu vực, hạn chế đến mức thấp nhất lây lan và phát sinh, phát triển của bệnh”./.

Huỳnh Phong 

Chia sẻ bài viết