Tiếng Việt | English

03/02/2023 - 07:48

Tất bật chuẩn bị cúng rằm tháng Giêng  

Theo thông lệ, cứ gần đến ngày rằm tháng Giêng, các phật tử về chùa chung tay cùng các tăng, ni chuẩn bị các nghi lễ cúng rằm và chiêu đãi tiệc chay cho du khách thập phương đến viếng chùa, lễ phật, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình bình an, hạnh phúc, mọi việc hanh thông trong năm mới.

Các phật tử về chùa chung tay chuẩn bị tiệc chay đãi khách ngày rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu. Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ tết quan trọng nên ông bà ta có câu: “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Do đó, việc đi chùa, lễ phật vào ngày rằm tháng Giêng đã trở thành nét đẹp, văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt.

Những năm qua, nhằm phục vụ các phật tử đến viếng chùa, lễ phật vào rằm tháng Giêng, các chùa trên địa bàn tỉnh Long An tất bật chuẩn bị các hoạt động. Cụ thể, tại chùa Ân Thọ (phường 5, TP.Tân An), các phật tử chia nhau hoàn thành các công đoạn như trang trí tiểu cảnh, làm đèn hoa đăng, dọn dẹp chánh điện,…Ngoài chú trọng đến quang cảnh, chùa Ân Thọ còn đặc biệt quan tâm đến tiệc chay ngày rằm chiêu đãi du khách. Chị Đỗ Huệ Tâm (phường 4, TP.Tân An) cho biết: “Hàng năm, tôi cùng các bạn sắp xếp thời gian vào chùa chung tay làm tiệc chay chiêu đãi người dân về viếng chùa, lễ phật. Năm nay, chùa không chỉ đãi cơm chay mà còn có tiệc buffet chay, với hơn 50 món nên rất cần các phật tử đến chung tay giúp đỡ từ sớm. Được làm công quả, tôi cảm thấy rất vui, thoải mái và tâm an yên”.

Chùa Ân Thọ trang trí các tiểu cảnh phục vụ phật tử thập phương đến lễ phật, viếng chùa

Trụ trì chùa Ân Thọ - Đại đức Thích Lệ Ngôn cho biết: “Vào 18 giờ, ngày rằm tháng Giêng, chùa sẽ tổ chức Đại lễ hoa đăng cầu quốc thái dân an và tạ đàn dược sư, với mục đích là cầu an cho thập phương, bá tánh. Tại đây, chùa sẽ tổ chức các nghi thức tâm linh tạ đàn dược sư và thả 4.000 đèn hoa đăng, để mọi người cùng cầu nguyện. Dân gian thường nói “Đi chùa quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” để nhấn mạnh yếu tố đầu năm phát khởi những tâm niệm thiện lành thì điều may mắn sẽ tiếp nối đến cuối năm. Đó là một niềm tin về những điều tốt đẹp của các phật tử”.

Trong tâm thức người Việt, ngày rằm tháng Giêng cũng quan trọng chẳng kém Tết Nguyên đán. Những giá trị tâm linh, giá trị nhân văn mà ngày rằm tháng Giêng đem lại, sẽ trở thành hành trang để con người vững tin bước vào một năm mới với tâm thế lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Chị Dương Thị Thảo Duyên (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Việc ăn chay, lễ phật vào ngày rằm tháng Giêng rất quan trọng và ý nghĩa đối với gia đình. Do đó, cứ đến ngày rằm là cả gia đình đến chùa lễ phật và dùng tiệc chay. Hơn hết, những năm qua, tại một số ngôi chùa trên địa bàn tỉnh trang trí các tiểu cảnh rất đẹp, giúp gia đình nghỉ ngơi, giải trí sau thời gian làm việc mệt nhọc”

Chị Dương Thị Thảo Duyên (phía sau) thường đến viếng chùa vào ngày rằm tháng Giêng

Không khí chuẩn bị cho ngày rằm tháng Giêng tại các ngôi chùa đang tất bật, còn người dân thì nôn nao đến ngày rằm để được lễ phật, viếng chùa, dùng bữa cơm chay và cầu mong khởi đầu một năm đầy bình an, may mắn, hạnh phúc. Và điều này càng khẳng định, các hoạt động được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng đã trở thành nét văn hóa tâm linh không thể thiếu của người Việt./.

Lê Ngọc - Thái Bạch

Chia sẻ bài viết