Đa dạng văn hóa
Nói đến Tây Ninh, người ta không chỉ nghĩ đến núi Bà Đen hay bánh canh Trảng Bàng, mà còn nhớ biết đến một vùng đất giao hòa tín ngưỡng, nơi mà đạo Cao Đài hiện diện sâu đậm trong từng nếp sống, nơi mà văn hóa Khmer, Chăm, Hoa cùng người Kinh đan xen tạo nên một bản giao hưởng văn hóa đặc sắc.

Tòa Thánh Tây Ninh là một trong những điểm thu hút khách du lịch rất lớn ở Tây Ninh
Một trong những điểm nhấn lớn ở Tây Ninh phải kể đến Tòa Thánh Tây Ninh, trung tâm tôn giáo của đạo Cao Đài, cũng là công trình kiến trúc kỳ vĩ, độc đáo, thu hút hàng triệu lượt tín đồ và du khách mỗi năm.
Trong đó, lễ Hội Yến Diêu Trì Cung vào rằm tháng tám âm lịch là một đại lễ tôn giáo với nghi thức rước lễ và thánh ca tạo thành một không gian văn hóa tâm linh khó nơi nào sánh được. Không chỉ di sản văn hóa, Tòa Thánh Tây Ninh còn là trụ cột tinh thần của hàng triệu người dân trong và ngoài tỉnh.

Những lễ hội đạo Cao Đài luôn thu hút rất nhiều người tham gia
Không chỉ có đạo Cao Đài, trên những nẻo đường ở H.Gò Dầu, H.Bến Cầu, H.Tân Châu, chúng ta dễ dàng bắt gặp các ngôi chùa Khmer mái cong rực rỡ, những lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Ok Om Bok, hay tiếng nhạc lễ trầm hùng từ những đền thờ người Hoa...
Bản sắc văn hóa được lưu giữ
Tính đến năm 2024, Tây Ninh có 96 di tích được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh), phân bố rộng khắp 9 huyện, thị xã và thành phố.
Bên cạnh các điểm đến nổi tiếng như núi Bà Đen, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát hay Căn cứ T.Ư Cục miền Nam, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa... không chỉ mang giá trị giáo dục truyền thống mà còn là nền tảng để phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc địa phương.

Tại phiên chợ lá, người đi chợ không dùng tiền mà dùng lá cây để mua thức ăn, nước uống...
Trong bức tranh đa sắc của Tây Ninh, TX.Hòa Thành nổi bật với quy hoạch hạ tầng hiện đại và cảnh quan đô thị hài hòa. Khu vực trung tâm được thiết kế theo kiểu ô bàn cờ, với các tuyến đường giao nhau vuông vức, tạo nên bố cục đô thị gọn gàng, khoa học. Tâm điểm của khu vực này là chợ Long Hoa - nơi kết nối 8 tuyến đường lớn dẫn về các hướng, vừa là trung tâm thương mại, vừa là điểm nhấn văn hóa.

Quy hoạch ô bàn cờ độc đáo ở TX.Hòa Thành
Dẫu hiện đại, Hòa Thành vẫn giữ được cốt cách một vùng đất đậm đà tín ngưỡng. Đây là nơi tổ chức hàng trăm sự kiện lớn nhỏ mỗi năm, từ chợ lá đầu xuân đến các lễ hội đạo Cao Đài. Không quá lời khi nói rằng Hòa Thành là "thủ phủ văn hóa - tâm linh" của Tây Ninh và là một trong những điểm đến tiêu biểu của du lịch văn hóa miền Đông Nam bộ. Những giá trị như ẩm thực chay, nghề thủ công truyền thống hay nghệ thuật dân gian đang dần được khôi phục, quảng bá, góp phần tái hiện chiều sâu văn hóa bản địa trong hành trình khám phá của du khách.

Hàng năm trên núi Bà Đen (Tây Ninh) tổ chức rất nhiều lễ hội thú vị
Từ trung tâm TP.Tây Ninh đến các vùng quê như H.Châu Thành, H.Tân Châu... đời sống văn hóa vẫn được bảo tồn và lan tỏa. Những giai điệu đờn ca tài tử, điệu múa Lâm Thôn, hay các lễ hội truyền thống vẫn vang lên giữa nhịp sống đô thị hóa.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, địa phương này đã chú trọng nâng cao chất lượng các lễ hội đặc sắc như Hội Xuân núi Bà Đen, Hội thề Rừng Rong, lễ Hội động Kim Quang, Hội Yến Diêu Trì Cung, Đại lễ vía Đức Chí Tôn, lễ Vía Bà, lễ hội Quan lớn Trà Vong, lễ Kỳ yên tại các đình làng… Các sự kiện này được tổ chức đồng bộ với hoạt động xúc tiến thương mại, ẩm thực, dịch vụ - qua đó đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc, các giá trị tôn giáo, tín ngưỡng tích cực trên địa bàn tỉnh. Tất cả tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho du lịch Tây Ninh./.
Theo Báo Thanh Niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/tay-ninh-vung-bien-mo-loi-giao-hoa-van-hoa-tin-nguong-185250502160617652.htm