Tiếng Việt | English

31/07/2015 - 10:34

Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp: Vì đồng tiền đi trước?

Nhu cầu học tập của người dân ngày một tăng, một bàn tay của Nhà nước không thể kham nổi, đây là cơ hội để xã hội hóa công tác giáo dục. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội trở thành cử nhân, thạc sĩ mở ra với nhiều người hơn. Nhưng bài toán số lượng – chất lượng đào tạo lâu nay lúc nào cũng “nóng”. Nóng vì người dân bỏ tiền ra “mua chữ” nhưng chất lượng không xứng đáng. Do tuyển sinh ồ ạt, lấy số lượng làm đầu nên khi ra trường sinh viên “lơ nga, lơ ngơ” không làm được việc gì. Nguyên nhân sâu xa dễ thấy nhất là ai cũng đặt lợi ích của mình lên trên hết, để hậu quả cho xã hội lãnh đủ, các nhà tuyển dụng không có người làm việc, còn các chi phí về tiền của, thời gian của người đi học thì bị lãng phí.

Các trường “mở toang cửa” đón sinh viên

Năm nay, điểm sàn xét tuyển đại học là 15 điểm cho 3 môn học. Nhiều trường đã mừng rỡ vì ngưỡng này tạo thuận lợi vì nguồn tuyển dồi dào; còn thí sinh cũng rất vui vì khả năng đậu rất cao.

Thế nhưng, mức điểm này lại khiến nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập kêu “trời” vì sẽ khó tuyển sinh. Không tuyển sinh đủ đồng nghĩa với việc các trường này sẽ không có nguồn thu để trang trải hoạt động. Bởi các trường tự chủ, hoạt động như một doanh nghiệp giáo dục nên chuyện lỗ - lãi tùy thuộc vào số lượng tuyển sinh.

Mở trường ra thì phải có học sinh theo học nếu không các nhà đầu tư “chết đầu nước”. Mỗi tháng, họ phải trang trải cho đội ngũ giáo viên cơ hữu, đi thuê, nhân viên văn phòng, tiền thuê địa điểm, khấu hao đầu tư ban đầu. Tất cả các chi phí này chỉ biết “móc” từ túi sinh viên ra. Số lượng sinh viên liên tục tăng. Nhiều hệ đào tạo được thành lập. Ngành mới mở ra không ngừng. Thế nhưng nhiều trường hầu như không đầu tư nhiều cho giảng dạy, cơ sở vật chất.

Trở lại câu chuyện ngưỡng xét tuyển đại học, nếu ngưỡng xét tuyển thấp, thí sinh đỗ vào trường lại không theo kịp chương trình. Hầu hết trường top dưới và đại học ngoài công lập đều có mức điểm trúng tuyển bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Với mức này, nhiều người lo rằng, sinh viên vào học được nhưng ra trường không thể tìm việc làm vì trình độ kém. Và thực tế đã có câu trả lời cho những băn khoăn, lo lắng này bằng việc hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Chất lượng giáo dục đại học đang ở tình trạng báo động. Bởi ngay cả với trường hàng đầu của Việt Nam, sinh viên tốt nghiệp bằng ưu nhưng khi nhận về cùng lĩnh vực chuyên môn đều phải đào tạo lại, cầm tay chỉ việc, mất cả năm trời. 4 năm ngồi ở giảng được đại học, các em tiếp nhận một mớ lý thuyết lạc hậu, thực hành không có lấy đâu ra kiến thức, trình độ để làm việc?

Học thạc sĩ, tiến sĩ tốn kém lắm!

Còn nhớ năm 2003, khi nói chuyện với một người làm nghiên cứu sinh trong nước, về việc có người thân muốn làm nghiên cứu sinh một ngành khoa học tự nhiên. Lời khuyên thẳng thắn, ngay tức thì: “Nên ra nước ngoài học để lấy kinh nghiệm, kiến thức và trình độ tiếng Anh. Nếu làm trong nước thì phải có ít nhất 200 triệu”. 200 triệu thời điểm bấy giờ là con số rất lớn, không phải ai cũng dễ có được. Nhưng để làm gì với 200 triệu ấy? Để quà cáp cho thầy, cho hội đồng mỗi lần bảo vệ cơ sở… Giải thích thêm rằng, các thầy không đòi khoản bồi dưỡng này nhưng đã “luật bất thành văn” mỗi hội đồng anh/chị phải chi ra một số tiền cụ thể. Bây giờ trượt giá, có lẽ mức 200 triệu không đủ làm tiến sĩ ở lĩnh vực mà vị nghiên cứu sinh đã làm.


Ảnh minh họa

Số tiền ấy là với những người học thật, làm thật, còn với những người đi thuê viết luận văn thạc sĩ, tiến sĩ thì có lẽ phải nhiều hơn. Với cách học và nghiên cứu như vậy, mấy ai có bằng trong tay mà trình độ lại được nâng lên?

Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cũng là một vấn đề, làm tiến sĩ, hay thạc sĩ trong nước hay nước ngoài thì về nước khi xét lương, bổ nhiệm cán bộ đều đánh đồng như nhau. Chính vì thế, bây giờ nhiều người đương chức không muốn ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh vì đi về sợ “mất ghế” nên ở trong nước “tốn kém chút” nhưng vừa có bằng vừa chắc ăn.

“Chạy” căn bệnh của toàn xã hội

Nhà trường thì lo kiếm tiền, tạo doanh thu, lợi nhuận. Người học sẵn sàng móc hầu bao để qua được các kỳ thi, kiểm tra, sát hạch và cuối cùng là có được tấm bằng. “Văn hóa chạy” có thể đã ăn sâu vào cách sống, làm việc của nhiều người. Từ lúc còn bé, chạy trường học cho con, chạy vào lớp có cô giáo tốt, chạy… đều mất tiền. Thử điểm lại, nếu bạn ở thành phố thì từ khi mang bầu một đứa con đã phát sinh rất nhiều thứ. Vào viện sinh con, để tránh phải nằm ghép, để được bác sĩ quan tâm hơn thì phải lo lót trước. Những ngày trong bệnh viện, để yên tâm con mình được tắm rửa sạch sẽ, nhiều bà mẹ đã giắt tiền vào trong tã của con…

Nói một chuyện cỏn con như vậy để thấy rằng, làm việc gì cũng nghĩ đến tiền đầu tiên thì còn tâm sức đâu để trau dồi, phấn đấu? Chất lượng đào tạo không ra sao nên khi ra trường, muốn có việc lại “chạy”. Ai đó, tay không thi đỗ vào một cơ quan nào đó là cả một kỳ tích. Làm việc gì không có tiền thì không yên tâm. Không mất tiền cũng không yên tâm vì sợ rằng không được việc. Để thoát được tình trạng này, “chìa khóa” quan trọng nhất là sự minh bạch, công bằng./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Dịch vụ viết tiểu luận thuê uy tín