Tiếng Việt | English

06/03/2019 - 15:34

Tháng Giêng, tiểu thương đi chùa

Tháng Giêng trong quan niệm của nhiều người Việt là tháng dành cho nhiều lễ hội quan trọng nhất năm. Trong những ngày này, người dân hành hương về các đền, chùa rất đông, trong đó, giới tiểu thương là "rầm rộ" nhất.

Trong tháng Giêng, các chùa thường chật kín người, từ tiểu thương, phật tử đến để cầu may mắn cho bản thân và gia đình

Trong tháng Giêng, các chùa thường chật kín người, từ tiểu thương, phật tử đến để cầu may mắn cho bản thân và gia đình

Cầu mua may, bán đắt

Hàng năm, cứ vào tháng Giêng, người dân bắt đầu đi chùa, trong đó, giới tiểu thương hưởng ứng nhiều nhất. Bà Trần Thị Tuyết - tiểu thương buôn bán trái cây ở chợ Lộc Giang (xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), cho biết: "Từ mùng 1 tết, người dân khắp nơi bắt đầu ùn ùn đổ về các chùa lớn để thắp nhang, thả chim, xin xăm, đăng ký cúng sao, xin duyên, đánh chuông cầu an,...Tôi và những tiểu thương khác cũng vậy, năm nào cũng rủ nhau đi chùa để cầu mua may, bán đắt".

Chị Nguyễn Thị Mộng Nhân - tiểu thương kinh doanh mặt hàng vali, túi xách, nón bảo hiểm tại chợ Bàu Trai (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa), chia sẻ: "Những người buôn bán thường đi chùa cầu mong cả năm việc buôn bán được thuận lợi. Có nhóm thì đi các chùa gần trong huyện, cũng có nhóm thuê xe đi các chùa ở tỉnh Tây Ninh, An Giang, Đồng Nai,...".

Còn chị Nguyễn Thị Hạnh - tiểu thương kinh doanh mặt hàng quần áo trẻ em tại chợ Bến Lức (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), thông tin: "Cũng giống như nhiều tiểu thương khác, tết năm nay, sau khi hoàn tất việc cúng bái tại gia, tôi cùng con gái lên chùa Châu Đốc 2 ở TP.HCM dâng hương cúng sao, giải hạn để cầu cho gia đạo bình an, công việc buôn bán thuận lợi".

Trong suốt tháng Giêng, nhất là ngày rằm, phía trước cổng những ngôi chùa, những lồng chim sẻ cũng được một số người mang đến bán phục vụ việc phóng sanh. Người mua đa phần là những tiểu thương, có nhiều người mua hẳn một lồng chim lớn thả ra một lần với quan niệm tạo phước lành, cầu may cho việc kinh doanh, buôn bán được suôn sẻ.

Tìm sự bình an

Đi chùa tháng Giêng, có không ít người đi theo trào lưu hoặc chỉ đơn giản là để vãn cảnh, nhưng phần lớn tiểu thương đi chùa là để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho mình, gia đình và cả xã hội. Bên cạnh đó, họ còn tìm được cho mình những phút giây thư thái ở chốn thanh tịnh.

Chị Lâm Thị Thùy Dương - tiểu thương bán gạo tại chợ Thuận Đạo (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), cho biết: "Theo quan niệm dân gian, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh, tùy theo năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm sao, trong 9 chòm sao này, có sao tốt, sao xấu, gọi là vận hạn,... cho nên đi chùa để cầu an cho gia đình và bản thân". Còn chị Nguyễn Thị Hà - tiểu thương bán tạp hóa tại chợ Bình Hòa (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ), chia sẻ: "Tiểu thương đến chùa ngoài việc cầu xin buôn bán đắt hàng, còn cầu bình an, sức khỏe và mong cho con, cháu chăm ngoan, học giỏi”.

Tiểu thương đến chùa ngoài việc cầu xin buôn bán đắt hàng, còn cầu bình an, sức khỏe và mong cho con, cháu chăm ngoan, học giỏi

Đi chùa lễ Phật cầu an đầu năm là nét đẹp truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam nói chung và giới tiểu thương nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những người thành tâm lễ chùa thì cũng có không ít người lợi dụng dịp này mưu lợi cá nhân, hoạt động mua bán sách mê tín dị đoan, bói toán,... Đó còn là tình trạng mất trật tự của các hoạt động ăn theo: Kinh doanh, mua bán các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng, lễ lạc, tình trạng chen lấn hái lộc, xả rác trước và trong khuôn viên các chùa,... Do đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn để người đi chùa giữ nét tôn nghiêm, truyền thống của lễ hội và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi trái với thuần phong, mỹ tục và vi phạm pháp luật./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích