Tiếng Việt | English

21/02/2019 - 15:35

Tháng Giêng, thực phẩm chay “hút hàng”

Tháng Giêng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn TP.Tân An, tỉnh Long An tăng cường sản xuất, chế biến sản phẩm để phục vụ nhu cầu thị trường.

Vào ngày rằm tháng Giêng, quán chay Âu Lạc vừa đa dạng các món ăn, vừa tăng số lượng lên gấp 2,3 lần

Vào ngày rằm tháng Giêng, quán chay Âu Lạc vừa đa dạng các món ăn, vừa tăng số lượng lên gấp 2,3 lần

Sức mua tăng

Theo tiểu thương tại các chợ ở TP.Tân An, tháng Giêng, sức mua các thực phẩm chay, rau, củ, quả,… tăng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu ăn chay của người dân, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay phải tăng cường sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Liêm - chủ lò tàu hũ Thanh Liêm (phường 3, TP.Tân An), cho biết: “Ngày thường, lò của tôi sản xuất khoảng 700 miếng tàu hũ. Còn ngày 15 hoặc 30 âm lịch, sản lượng tăng gấp 3 lần. Riêng dịp rằm tháng Giêng, mỗi ngày, lò của tôi cho ra thị trường trên 2.000 miếng”.

Còn chị Thái Thị Thanh Loan - chủ cơ sở sản xuất chả giò chay, tôm chay, bó xôi chay ở phường 3, TP.Tân An, cho biết: “Ngày thường, gia đình tôi chỉ làm việc khoảng 4 tiếng với 4 người làm. Dịp rằm tháng Giêng, đơn hàng tăng gấp mấy lần nên phải thuê thêm người làm”.

Cơ sở sản xuất đồ chay của chị Loan chuẩn bị nguyên liệu làm bó xôi chay

Cơ sở sản xuất đồ chay của chị Loan chuẩn bị nguyên liệu làm bó xôi chay

Tại quán chay Âu Lạc (phường 2, TP.Tân An), mấy ngày nay, khách đến ăn cơm và mua thực phẩm mang về tấp nập. Chị Lê Thị Hồng Nhung - quản lý quán, cho biết: “Ngày thường, quán bán khoảng 30 món ăn chay, phục vụ trên 300 khách; đến ngày rằm, quán nấu khoảng 40 món chay và số lượng tăng gấp 3 lần so với ngày thường”.

Bảo đảm an toàn thực phẩm

Để giữ chân khách hàng, lò tàu hũ Thanh Liêm luôn bảo đảm vệ sinh như nơi chế biến thường xuyên được dọn dẹp, người chế biến được khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, lò không sử dụng thạch cao làm trắng và tăng độ dai cho tàu hũ.

Gia đình chị Thái Thị Thanh Loan có 3 đời làm thực phẩm chay. Chị Loan luôn quyết tâm giữ vững uy tín và thương hiệu của gia đình. Theo đó, chị dành một khoảng đất trống trồng sả, cây cách,... dùng làm nguyên liệu chế biến món ăn chay. Hơn hết, chị luôn chọn những lò tàu hũ có uy tín, không sử dụng hóa chất, phẩm màu. Chị Loan cho biết thêm: “Gia đình tôi không chỉ làm để bán mà còn làm để ăn, không chạy theo lợi nhuận mà sản xuất thực phẩm bẩn làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Khách hàng đã ý thức được vấn đề an toàn thực phẩm không còn là trách nhiệm của riêng ai nên thường chọn mua thực phẩm ở những nơi đáng tin cậy, có thương hiệu. Anh Đỗ Hoài Đức, ngụ phường 7, TP.Tân An, bộc bạch: “Do không có thời gian nên gia đình tôi thường mua thức ăn chay đã được chế biến sẵn. Khi đến các quán ăn chay, tôi đều quan sát nơi chế biến xem có sạch sẽ không thì mới quyết định mua. Hầu hết các quán ăn chay đều ý thức được vấn đề an toàn thực phẩm”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích