Tiếng Việt | English

31/07/2018 - 19:28

Thạnh An vượt khó vươn lên

Những năm qua, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, nguồn lực có hạn nên địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Qua rà soát, Thạnh An hiện chỉ đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, xã phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí: Nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất và y tế (tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế).

Nâng cấp kết cấu hạ tầng

So với một số địa phương khác trên địa bàn huyện Thạnh Hóa, Thạnh An được đánh giá là một trong những xã khó khăn. Với diện tích tự nhiên tương đối lớn, giáp với nhiều xã, số lượng dân nhập cư đông, thu nhập của một bộ phận người dân chưa cao nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền, vận động đóng góp xây dựng các công trình. Phần lớn kết cấu hạ tầng nông thôn như hệ thống điện, đường giao thông, trường học, nhà văn hóa ấp,... xuống cấp hoặc chưa được đầu tư.

Đường giao thông nông thôn được mở rộng, tráng bêtông

Đường giao thông nông thôn được mở rộng, tráng bêtông

Theo Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Quốc Đạt, địa phương có 3 trường học nhưng tất cả đều chưa đạt chuẩn. 4/4 ấp đều chưa có nhà văn hóa, trong đó có 2 ấp tận dụng những trụ sở cũ, đã chuyển đổi công năng để làm điểm sinh hoạt. Riêng đường giao thông, toàn xã chỉ có một tuyến đường đal, một vài tuyến được trải đá 0x4, số còn lại đều là đường đất hoặc đá đỏ. Trong đó, nhiều tuyến đường xây dựng đã lâu hiện xuống cấp như tuyến đường Bún Bà Của, trục chính dẫn từ Quốc lộ 62 đến UBND xã nên việc đi lại vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, xã tiến hành sửa chữa lộ kênh Tây từ Bắc Đông cũ đến kênh 900 ở ấp 2 và lộ Bắc Đông cũ, lộ Nam Bắc Đông cũ (đoạn kênh Tây đến kênh 300, giai đoạn 2), lộ kênh 6 Cụt ở ấp 4, lộ Cái Tôm từ Bắc Đông cũ đến Bắc Đông mới,... 6 tháng đầu năm 2018, các công trình này đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Hiện nay, xã tiếp tục triển khai thi công công trình lộ Nam Bắc Đông cũ giai đoạn 3 và 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Ẩn (SN 1972), ngụ ấp 4, vui mừng bộc bạch: Mặc dù đời sống người dân còn khó khăn nhưng so với những năm trước, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, nhất là hệ thống đê bao và đường giao thông. Người dân có thể đi lại, thông thương bằng xe máy, không còn phụ thuộc vào ghe, xuồng nữa. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường chưa được trải đá, lầy lội vào mùa mưa nên đi lại khó khăn. Rất mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm giúp địa phương nhanh chóng hoàn thành các công trình”.

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Để giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. “Hiện nay, ngoài 1.890ha lúa, trên địa bàn xã còn có trên 500ha trồng khoai mỡ, năng suất bình quân 13 tấn/ha; khoảng 65ha trồng một số loại cây khác: Dưa hấu, sen, khóm, chanh,... Nhìn chung, việc sản xuất tương đối ổn định, nông dân có lợi nhuận khá” - ông Nguyễn Quốc Đạt thông tin thêm.

Nông dân bước đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Nông dân bước đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Tiếp tục thực hiện Chương trình 09-Ctr/HU, ngày 30/6/2016 của Huyện ủy Thạnh Hóa về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vụ Đông Xuân 2017-2018, xã phối hợp ngành chuyên môn hỗ trợ nông dân san phẳng mặt ruộng bằng cơ giới. Bên cạnh đó, 100% diện tích được nông dân gieo sạ bằng máy phun 3 trong 1. Những diện tích trong vùng quy hoạch sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao được hướng dẫn sử dụng giống xác nhận, phân hữu cơ, áp dụng quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,...

Ông Nguyễn Văn Giang (SN 1978), ngụ ấp 4, phấn khởi nói: “Mấy năm nay, nhờ được tiếp cận khoa học - kỹ thuật tiên tiến, việc sản xuất ngày càng thuận lợi hơn. Đặc biệt, nhờ tham gia vùng lúa ứng dụng công nghệ cao nên năng suất, chất lượng nông sản tăng, chi phí sản xuất giảm, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Ngoài ra, khi tham gia các tổ hợp tác sản xuất, nông dân được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, hỗ trợ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá rẻ, giúp tiết kiệm nhiều chi phí”.

Qua thí điểm và triển khai thực hiện, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả cao nhưng vẫn còn một số nông dân chưa thật sự tin tưởng áp dụng các biện pháp kỹ thuật của mô hình. Một số hộ chưa chủ động thực hiện, còn trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước nên việc nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn.

Xác định tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác, thời gian tới, xã phối hợp các ngành chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời, tăng cường liên kết “4 nhà” nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Mặt khác, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện dịch bệnh, thông tin đến nông dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh gây ra.

Hành trình xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới còn nhiều thách thức nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Thạnh An tiếp tục vượt khó vươn lên, hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết, thúc đẩy KT-XH phát triển./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết