Đánh giá về thực trạng phát triển thanh toán điện tử (TMĐT), đặc biệt trong các giao dịch thanh toán ở Việt Nam thời gian qua, bà Hoàng Tuyết Minh, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) cho biết, với chức năng nhiệm vụ của ngành ngân hàng là cung ứng dịch vụ, quản lý các hoạt động thanh toán cho nền kinh tế, ngành ngân hàng đã áp dụng TTĐT từ năm 1998, trước khi Luật giao dịch điện tử ra đời với sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.
Các ngân hàng đã cung ứng dịch vụ TTĐT rộng rãi cho khách hàng. (Ảnh minh họa: KT)
“Từ năm 1998 đã có hệ thống chuyển tiền nội bộ trong ngân hàng và Vietinbank là ngân hàng đầu tiên được thí điểm chuyển tiền điện tử. Đến 2012 đã có hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giúp thanh toán điện tử giữa các ngân hàng với nhau, rút ngắn thời gian thanh toán giữa các ngân hàng từ chỗ mất thời gian 5 - 7 ngày, nay chỉ còn vài giây”, bà Minh cho biết.
Theo bà Minh, đến 2005, sau khi Luật Giao dịch điện tử ra đời, cơ sở pháp lý đã hoàn đầy đủ cho ngành ngân hàng phát triển TTĐT và từ đó các ngân hàng đã cung ứng dịch vụ TTĐT rộng rãi cho khách hàng.
Đến nay, ngành ngân hàng đã cung cấp rất nhiều dịch vụ TTĐT, với 65 ngân hàng trong cả nước đã cung ứng dịch vụ internet banking; 35 NH cung cấp dịch vụ thanh toán mobile banking. Ngoài ra, rất nhiều tổ chức trung gian thanh toán có thể hỗ trợ cho các khách hàng tham gia thanh toán online phục vụ thanh toán điện tử.
Cũng theo vị lãnh đạo Vụ Thanh toán, với chức năng vai trò của NHNN tham mưu cho Chính phủ trong phát triển thanh toán, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt trong đó có thanh toán điện tử, NHNN luôn coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.
Bà Minh cho rằng, hiện nay hành lang pháp lý cho TTĐT ngày càng được hoàn thiện và ngày càng được NHNN quan tâm chú trọng triển khai, số lượng thẻ hoặc tài khoản cá nhân tăng qua từng năm và tăng lên mức 200% từ năm 2010 đến nay.
“Nếu chia bình quân mỗi người dân đều có 1 thẻ thanh toán thì đến nay có cá nhân đã sở hữu tới 3 - 4 thẻ. Các ngân hàng hiện nay hoàn toàn có đủ nền tảng, đủ khả năng để đảm bảo thanh toán điện tử cho người dân và doanh nghiệp với sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình. Tuy nhiên, người tiêu dùng có nhận thức và dùng thẻ thanh toán hay không mới là yếu tố quyết định”, bà Minh khẳng định.
Do đó, Đại diện NHNN cho rằng, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình, phương tiện, hệ thống TTĐT mới phát triển, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định của các hệ thống TTĐT tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng thương mại và các tổ chức không phải ngân hàng. Từ đó triển khai các sáng kiến mới để phát triển TTĐT để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán, nhất là đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán mới.
“Ngành ngân hàng sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng các dịch vụ TTĐT. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, bà Minh khẳng định./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN