Tiếng Việt | English

22/11/2022 - 09:52

Thiếu thuốc, vật tư, nguồn nhân lực: Bài toán khó của ngành Y tế (Bài cuối)

Tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế kéo dài trong toàn hệ thống khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng khám và điều trị cũng như sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, việc tự chủ kinh phí, nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác khiến ngành Y tế gặp nhiều khó khăn, cần sớm có giải pháp khắc phục về trước mắt và lâu dài.

Bài cuối: Cần sớm giải “bài toán khó”

Sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, ngành Y tế Việt Nam nói chung và Long An nói riêng tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn. Vì vậy, các cấp, các ngành của tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, từng bước tháo gỡ những khó khăn, bất cập, nhất là trong công tác khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) để bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người dân.

Chủ động, linh hoạt gỡ khó

UBND tỉnh tổ chức hội nghị với các sở, ngành, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn về thực hiện kinh phí tự chủ tại các bệnh viện, vấn đề cung ứng thuốc, vật tư y tế và việc thanh toán bảo hiểm y tế

Tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, giúp người dân giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn. Khi KCB bằng thẻ BHYT, người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Vì vậy, quyền lợi của người dân khi KCB BHYT cần được bảo đảm.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế, thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện linh hoạt các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế tại đơn vị. Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Đồng Tháp Mười chủ động thực hiện các gói đấu thầu thuốc. Trong quá trình KCB, ngoài tư vấn cho người bệnh hiểu rõ và chia sẻ khó khăn cùng BV, các bác sĩ còn cân nhắc sử dụng loại thuốc phù hợp để thay thế, cân đối số lượng thuốc có sẵn tại BV. Nếu người bệnh không đồng ý sử dụng thuốc thay thế, bác sĩ sẽ kê toa mua thuốc bên ngoài.

Theo Giám đốc BVĐK khu vực Hậu Nghĩa - bác sĩ Lê Văn Thắng, việc thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán bệnh khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn, nhất là những trường hợp bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Để bảo đảm hoạt động KCB, lãnh đạo BV động viên cán bộ, nhân viên y tế đoàn kết, choàng gánh công việc, cùng vượt qua thời điểm khó khăn. Có nhiều trường hợp bác sĩ tự bỏ tiền mua thuốc cho người bệnh, ngay cả thuốc thông dụng như Paracetamol để tạm thời khắc phục tình trạng thiếu thuốc và giúp người bệnh an tâm điều trị. BV ban hành kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới, chủ yếu là lực lượng điều dưỡng vì đang thiếu hụt nghiêm trọng nhằm bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Khi khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng

Trước những khó khăn, bất cập trong công tác KCB do thiếu thuốc, nhân lực, vật tư y tế, tỉnh tập trung triển khai các giải pháp để từng bước tháo gỡ. Tháng 10/2022, UBND tỉnh tổ chức hội nghị với các sở, ngành, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn về thực hiện kinh phí tự chủ tại các BV, vấn đề cung ứng thuốc, vật tư y tế và việc thanh toán BHYT. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất những giải pháp phù hợp tình hình, điều kiện thực tiễn.

Theo đó, Giám đốc BVĐK khu vực Đồng Tháp Mười - bác sĩ Chung Văn Kiều kiến nghị không áp dụng cách tính tổng mức thanh toán theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ do tình hình dịch Covid-19, do thay đổi mô hình bệnh tật, đối tượng KCB BHYT mặc dù giảm nhưng có nhiều bệnh lý nặng đi kèm dẫn đến chi phí điều trị tăng. UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học để các đơn vị tự chủ có nguồn kinh phí chi trả học phí. Cấp trên quan tâm xem xét, nghiên cứu phương án không tổ chức đấu thầu thuốc riêng lẻ tại cơ sở KCB, chỉ thực hiện đấu thầu tập trung.

Các đại biểu mong muốn Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường phối hợp, sớm giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn từ Trung ương. Đồng thời, sớm tham mưu UBND tỉnh có chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các BV; bổ sung chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế an tâm công tác và thu hút nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu KCB của người dân trong thời gian tới.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tăng tiền lương, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế trực tiếp làm chuyên môn, làm việc trong môi trường độc hại; xem xét lại cách tính viện phí, bảo đảm tính đúng, tính đủ để cải thiện nguồn thu cho các đơn vị và có thêm nguồn kinh phí để bảo dưỡng hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế.

Đảng ta xác định đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển, mang lại lợi ích chung và lâu dài cho toàn xã hội. Chủ trương này được cụ thể hóa trong việc xây dựng y tế cơ sở, công tác KCB, y tế dự phòng, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ y tế chất lượng,... Tin rằng, dưới sự lãnh, chỉ đạo kịp thời của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, "bài toán khó” của ngành Y tế sớm được giải quyết để thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./

Về vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế cần làm rõ nguyên nhân, tiếp tục thanh tra, kiểm tra vấn đề này. Đây là vấn đề nhức nhối, phải bàn để tìm giải pháp. Bên cạnh đó, phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, vướng ở đâu thì sửa ở đó. Nếu vướng ở thông tư thì các bộ, nhất là Bộ Y tế phải chỉ rõ; nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo Quốc hội, bảo đảm đúng thủ tục, trình tự. Các địa phương cũng phải xem xét vướng mắc ở đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế trong thời gian dài.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết