Tiếng Việt | English

21/11/2022 - 17:28

Thiếu thuốc, vật tư, nguồn nhân lực: Bài toán khó của ngành Y tế (Bài 1)

Tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế kéo dài trong toàn hệ thống khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng khám và điều trị cũng như sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, việc tự chủ kinh phí, nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác khiến ngành Y tế gặp nhiều khó khăn, cần sớm có giải pháp khắc phục về trước mắt và lâu dài.

Bài 1: Khó khăn trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Những vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ kinh phí cùng tình trạng thiếu nhiều loại thuốc điều trị, nhất là thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), vật tư y tế kéo dài khiến công tác khám, chữa bệnh (KCB) gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi, sự hài lòng của người dân khi KCB tại các cơ sở y tế.

Thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài

Tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế ảnh hưởng lớn đến việc thu hút người bệnh đến KCB. Nhiều trường hợp người bệnh đến bệnh viện (BV) trong tình trạng nặng phải chuyển lên tuyến trên. Do dịch Covid-19 diễn biến khó lường nên công tác dự báo nhu cầu thuốc, vắc-xin cho công tác KCB gặp khó khăn. Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, nhu cầu về dịch truyền, dung dịch cao phân tử,... tăng cao cũng ảnh hưởng đến khả năng cung ứng của các nhà thầu.

Thiếu thuốc điều trị, vật tư, nhân lực y tế cùng những bất cập trong thực hiện tự chủ kinh phí ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Theo Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc, nhiều thời điểm, thuốc trúng thầu bị gián đoạn trong cung ứng do nhiều nguyên nhân như dịch Covid-19 kéo dài, thủ tục cấp phép, lưu hành, vận chuyển,... Việc đứt gãy nguồn hàng đối với những thuốc nhập khẩu, thuốc hiếm cần thiết cho nhu cầu điều trị và không có thuốc thay thế ảnh hưởng đến công tác KCB (dung dịch Dextran, Dopamin, huyết thanh kháng nọc rắn, các thuốc gây nghiện, các thuốc hướng thần,...).

Trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, nhiều loại thuốc không lựa chọn được nhà thầu trong quá trình đấu thầu rộng rãi. Các đơn vị phải áp dụng nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu khác nhau dẫn đến gián đoạn trong cung ứng thuốc. Bên cạnh đó, do biến động trong cung ứng, số lượng các gói thầu cần được thực hiện bổ sung để đáp ứng yêu cầu KCB tăng nhiều, khối lượng công việc dành cho công tác đấu thầu, mua sắm thuốc lớn. Tuyến y tế cơ sở gặp khó khăn do việc mua sắm riêng lẻ với số lượng ít nên ít có nhà thầu quan tâm. Do đây là năm đầu tiên các đơn vị tự tổ chức đấu thầu nên nhân sự kiêm nhiệm chưa có kinh nghiệm, chưa nắm bắt về các luật và các văn bản liên quan đến đấu thầu.

Tình hình biến động về sử dụng thuốc khó dự đoán cho các cơ sở y tế và cơ sở kinh doanh dược, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, các cơ sở y tế chưa xác định được tiến độ mua sắm thuốc trong năm. Trong khi đó, việc sản xuất của các doanh nghiệp cũng phải có dự trù để lập kế hoạch sản xuất, dẫn đến khả năng sản xuất thuốc không kịp đáp ứng yêu cầu và nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ, nhất là đối với thuốc nhập khẩu.

Từ những bất cập này, quyền lợi KCB của người tham gia BHYT bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp người dân phải tự bỏ tiền mua bên ngoài do một số loại thuốc, vật tư y tế trong danh mục BHYT chi trả bị thiếu. Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành - Nguyễn Tấn Phước chia sẻ: “Tham gia BHYT giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi phí khi không may ốm đau. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong danh mục BHYT kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng KCB cũng như thu hút người dân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, công tác vận động tham gia BHYT cũng gặp khó khăn, vì hiện nay nhiều người dân cho rằng, quyền lợi khi KCB BHYT chưa được bảo đảm”.

Nhiều bệnh viện như "thuyền đang mắc cạn"

Bên cạnh thiếu thuốc, vật tư y tế, việc tự chủ kinh phí khiến nhiều BV như “thuyền đang mắc cạn”. Sau thời gian thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, nhiều BV đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nguyên nhân chính là các BV không thể chủ động giải quyết được những khó khăn như quy trình đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, chính sách về tiền lương, giá viện phí theo BHYT chưa tính đúng, tính đủ,... Từ đó, khả năng thu đủ bù chi và có tích lũy để phát triển rất thấp, nhiều BV ở “mức âm”.

Từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng người bệnh đến điều trị tại các bệnh viện hạng II của tỉnh giảm mạnh

Từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng người bệnh đến điều trị tại 4 BV hạng II của tỉnh: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An, BVĐK khu vực Cần Giuộc, BVĐK khu vực Đồng Tháp Mười và BVĐK khu vực Hậu Nghĩa giảm mạnh. Do đó, nguồn thu của các đơn vị không bảo đảm được hoạt động. Ước tính năm 2022, 4 BV thiếu kinh phí chi thường xuyên 62,415 tỉ đồng.

Hiện Bảo hiểm xã hội tỉnh ký hợp đồng KCB BHYT với 29 cơ sở KCB (gồm 19 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập). Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, năm 2020-2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hầu hết cơ sở KCB BHYT công lập đều bị gián đoạn do chuyển đổi công năng điều trị Covid-19, phong tỏa BV để phòng, chống dịch,...

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân có tâm lý e ngại đến cơ sở y tế nên số lượt KCB giảm đáng kể. Hầu hết người bệnh khi đến KCB tại cơ sở y tế có bệnh nặng, mắc nhiều bệnh nên chi phí điều trị tăng cao dẫn đến nhiều cơ sở có số chi vượt tổng mức thanh toán. Một số cơ sở y tế công lập không đủ kinh phí để trả tiền thuốc, lương cho nhân viên.

Theo Giám đốc BVĐK Long An - Nguyễn Văn Hoàng, BV là một trong những đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ đang chịu tác động từ nhiều phương diện mà không thể chủ động giải quyết được. Đó là các chi phí được cơ cấu trong giá viện phí có những chi phí trượt giá nên ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị. Trong khi đó, hiện nay, giá dịch vụ y tế chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố giá nên khả năng thu đủ bù chi và có tích lũy còn thấp. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài từ quí II/2022 đến nay nên số lượng bệnh nhân ngoại trú, nội trú giảm, kéo theo nguồn thu giảm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thu theo giá BHYT trong khi nguồn chi rất lớn dẫn đến thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế tại các BV giảm khiến nhiều y, bác sĩ trình độ cao dịch chuyển sang y tế tư nhân với mức lương, chế độ hấp dẫn hơn. Làn sóng cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác khiến ngành Y tế càng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng “chảy máu chất xám” ở các tuyến y tế công lập đặt ngành Y tế trước nguy cơ khủng hoảng do thiếu nhân lực đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại BVĐK Long An, tổng số nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc từ năm 2018 đến nay là 292 người (trong đó, có 75 bác sĩ, 112 điều dưỡng).

Tại BVĐK khu vực Hậu Nghĩa, do chế độ lương, phụ cấp chưa cao, ảnh hưởng đến đời sống nên một số nhân viên bỏ việc. Năm 2021, 6 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 dược sĩ và 3 người chuyên môn khác của BV nghỉ việc. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, 3 bác sĩ, 4 điều dưỡng, 3 nữ hộ sinh, 5 người chuyên môn khác nghỉ việc. Số lượng nhân viên y tế nghỉ việc chưa nhiều nhưng dự báo tăng trong thời gian tới.

Thiếu thuốc, vật tư, nhân lực y tế cùng những bất cập trong thực hiện tự chủ kinh phí ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao chất lượng KCB cũng như bảo đảm quyền lợi của người dân khi KCB BHYT. Đây trở thành những vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và là bài toán khó của ngành Y tế, cần sớm có giải pháp tháo gỡ./.

(còn tiếp)

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Bài cuối: Cần sớm giải “bài toán khó”

Chia sẻ bài viết