Tiếng Việt | English

30/08/2022 - 10:10

Thu hút đầu tư chế biến và bảo quản nông sản

Với mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản, phát triển ngành Nông nghiệp bền vững và góp phần giảm áp lực đầu ra, Long An đã và đang triển khai nhiều đề án, chương trình thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch.

Hướng đi phù hợp

Với ưu thế là một vùng đất giàu tiềm năng và có nhiều loại nông sản đặc trưng chủ lực như lúa (khu vực Đồng Tháp Mười), thanh long (huyện Châu Thành), khóm (huyện Thạnh Hóa), ổi (huyện Đức Hòa),... nhưng đa số những loại nông sản của tỉnh hiện nay vẫn chủ yếu bán tươi, chưa qua chế biến nên giá trị chưa cao.

Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) - Dương Thị Trúc Giang chia sẻ: “Hiện nay, sản phẩm chủ lực của Cty là các dòng sản phẩm trái cây sấy giòn không dầu như thanh long, mít, khóm, khoai lang,... Nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến được cung cấp trực tiếp từ vùng nguyên liệu của các hợp tác xã nông sản trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, do đó việc sản xuất trái cây sấy được xem là một giải pháp hữu hiệu vừa góp phần tiêu thụ nông sản, vừa nâng tầm giá trị sản phẩm”.

Sản phẩm thanh long sấy giòn không dầu của Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa)

Được biết, Cty Cổ phần Thực phẩm HG hiện có 3 máy sấy, có thể tạo ra thành phẩm khoảng 6 tấn/tháng. Ngoài các loại trái cây sấy trên, Cty đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra thị trường những sản phẩm mới và hướng đến chuẩn hóa chất lượng các sản phẩm để có thể tiếp cận các thị trường mới.

Bên cạnh việc chế biến thì khâu bảo quản nông sản của tỉnh cũng còn rất hạn chế, nhiều loại nông sản không được bảo quản tốt nên trong thời gian vận chuyển rất dễ bị hư, đây cũng là lý do mà nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng khó tiếp cận các thị trường lớn. Xuất phát từ nhu cầu giảm thất thoát nông sản sau thu hoạch và giữ cho nông sản được tươi lâu hơn, Cty TNHH Bảo quản nông sản CASS (huyện Thủ Thừa) đã đầu tư hệ thống kho bảo quản nông sản tươi bằng công nghệ điều chỉnh khí CA hoàn toàn tự động. Giải pháp này giúp kéo dài thời gian bảo quản nông sản từ 30-40 ngày.

Giám đốc Cty TNHH Bảo quản nông sản CASS - Quách Thị Lệ Chân cho biết: “Nhờ công nghệ điều chỉnh giảm Oxy xuống thấp, tăng khí Nitơ lên tới trên 90% mà các loại rau quả, nông sản tươi sẽ rơi ngay vào trạng thái ngủ đông, giảm thiểu hô hấp, kéo dài thời giản bảo quản hơn 4 lần so với kho lạnh thông thường. Cùng với đó, việc luôn giữ độ ẩm ở mức 80-90% giúp nông sản không bị mất nước và giữ được chất của nông sản, giúp bảo quản tốt kết cấu nông sản”.

Nông sản được kéo dài thời gian bảo quản bằng công nghệ điều chỉnh khí CA của Công ty TNHH Bảo quản nông sản CASS

Hiện nay, Cty đón nhận khá nhiều đơn hàng từ các đối tác tại các tỉnh có số lượng lớn trái cây như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre. Riêng tại Long An, chanh và thanh long là 2 mặt hàng chủ lực được các doanh nghiệp thuê kho bảo quản trước khi đưa đi xuất khẩu.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, để chủ động và định hướng sản xuất nông sản phù hợp, bảo đảm nông sản có đầu ra ổn định, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời, phối hợp các địa phương xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng thường xuyên cập nhật thông tin thị trường để có kế hoạch chỉ đạo sản xuất phù hợp, nhằm bảo đảm cân đối cán cân cung - cầu hàng hóa nông sản, thực phẩm.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022 về quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030. Trong đó, xác định công nghiệp vùng phát triển theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tập trung khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối.

Các huyện khu vực Đồng Tháp Mười đang tích cực kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa gạo

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành cũng vừa ký Quyết định số 858/QĐ-TTg, ngày 20/7/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Ngành Nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển ngành chế biến rau quả và thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030. Mục đích của đề án này nhằm tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả Quyết định số 417/QĐ-TTg, ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 1408/QĐ-TTg, ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 và các văn bản liên quan đến hoạt động ngành chế biến rau quả, thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An.

Các sản phẩm chế biến từ sản phẩm chanh không hạt của huyện Bến Lức

Ngoài ra, trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục nghiên cứu và tham mưu UBND tỉnh xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tích hợp trong quy hoạch tỉnh; đồng thời, xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu, kiến nghị với UBND tỉnh, Trung ương có những chính sách mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến nông sản nói riêng” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.

Thời gian qua, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long của người dân Châu Thành gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về thị trường tiêu thụ và không có nhiều doanh nghiệp chế biến thanh long. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực này để sớm ổn định đầu ra cho thanh long”.

Ông Nguyễn Văn Lợi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành)

Hiện nay, hợp tác xã tập trung phát triển 2 loại cây trồng chủ lực là chanh không hạt và rau má, cả 2 loại cây trồng này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, chưa có sự ổn định về đầu ra. Vì vậy, về lâu dài, cần có thêm các doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu và chế biến sâu. Bởi có như vậy, giá trị nông sản và thu nhập của nông dân mới được nâng lên”.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) - Đỗ Quang Huế

Với lợi thế là vùng nguyên liệu lớn về lúa gạo của tỉnh, huyện Vĩnh Hưng đã và đang tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư chế biến sâu sản phẩm lúa gạo. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nguyên nhân là do đại đa số người dân sản xuất chủ yếu mang tính tự phát, chưa có sự liên kết sản xuất theo quy trình canh tác khoa học để tạo ra nông sản có chất lượng cao”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích