Tiếng Việt | English

18/10/2016 - 23:15

Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở 8 vấn đề Bộ Y tế cần quan tâm xử lý

Tình trạng quá tải bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

An toàn vệ sinh thực phẩm; an ninh, an toàn bệnh viện; đấu giá và đấu thầu thuốc; công tác cán bộ ngành y tế; việc người dân và bệnh viện câu kết trục lợi quỹ bảo hiểm y tế; quá tải bệnh viện tuyến trung ương; giải ngân vốn ODA chậm; chất lượng y tế cơ sở chưa tốt, đây là 8 vấn đề Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cần quan tâm xử lý.

Nội dung chỉ đạo của Thủ tướng đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ truyền đạt tại buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế ngày 18/10.

8 vấn đề Bộ Y tế cần lưu tâm

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước buổi làm việc với Bộ Y tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng chất cấm, chất bảo quản, ảnh hưởng đến sức khỏe là vấn đề người dân rất quan tâm; trong đó có vấn đề Cục quản lý Dược quản lý cấp phép nhập khẩu chất cấm Sabutamol nhưng để sơ hở, lọt ra ngoài, 6/9 tấn trôi nổi trên thị trường, dẫn đến việc người dân lợi dụng chất cấm này để tạo nạc trong chăn nuôi, kiếm lợi ích không chính đáng.

Hay việc 40.000 thùng nước giải khát của URC bị phát hiện nhiễm chì nặng, liên quan đến vấn đề quản lý cấp phép nhập khẩu nguyên liệu của Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã quyết liệt trong việc giải quyết quá tải bệnh viện, đưa ra cam kết chấm dứt cảnh nằm ghép của 38 bệnh viện trung ương. Tuy nhiên, gần đây, do một số bệnh viện chịu sức ép quá lớn nên vẫn phải bố trí nằm ghép 2 bệnh nhân, thậm chí nhiều hơn.

Chỉ tiêu này đã phải điều chỉnh, không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất.

Bộ đã có nhiều cố gắng trong hỗ trợ hệ thống y tế tuyến xã nhưng chất lượng y tế cơ sở đang có vấn đề, có nơi có thiết bị tốt nhưng không có người dùng, có nơi có người dùng nhưng chất lượng chưa tốt, người dân thiếu niềm tin, bỏ y tế tuyến cơ sở, dồn lên tuyến trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng đề nghị Bộ Y tế quan tâm đến chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở, giảm sức ép cho tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Nói về vấn đề đấu giá và đấu thầu thuốc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tiền thuốc thường chiếm 50% chi phí khám chữa bệnh. Thủ tướng đã đồng ý để Bộ lập cơ quan đấu thầu thuốc trên địa bàn cả nước. Bộ cần quan tâm vấn đề bố trí thuốc cho các cơ sở y tế, chấn chỉnh tình trạng chỉ định thuốc tràn lan…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập đến tình trạng lợi dụng những chính sách mới, ưu việt của Đảng, Nhà nước, bệnh viện và bệnh nhân câu kết trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, dẫn đến sự mất công bằng, thiếu minh bạch, bất bình đẳng trong hưởng thụ chính sách bảo hiểm y tế.

Tiến độ giải ngân vốn ODA của ngành y tế thấp, tiền có nhưng giải ngân chậm. Bộ cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế, chuẩn bị tốt điều kiện đấu thầu thiết bị kịp thời.

Đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ của ngành y tế đã được báo chí đề cập thời gian gần đây, trong đó có dư luận về Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Văn Tác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết “Thủ tướng cũng nhận được vài đơn thư liên quan đến công tác cán bộ của ngành Y tế.”

Không đề cập đến việc dư luận nêu đúng hay sai, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ Y tế quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ trong công tác tổ chức cán bộ; các quy chế, quy trình liên quan đến kỷ luật, kỷ cương làm việc, không để nội bộ mất đoàn kết. Nếu đúng, Bộ cần quan tâm xem xét, chấn chỉnh, kết luận công khai sớm, nếu không đúng sẽ oan cho cán bộ, phải xử lý tránh oan sai.

“Khi kiện toàn nhân sự bao giờ cũng có chuyện, nhưng khi đề bạt xong là thôi, vấn đề phải nghe hai tai,” ông Mai Tiến Dũng nói.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định quy trình bổ nhiệm cán bộ của Bộ được thực hiện một cách nghiêm túc, công khai, dân chủ, minh bạch. Ban cán sự Đảng bộ cũng như các vụ, cục rất quan tâm vấn đề này, rất chặt chẽ và tương đối thận trọng.

Lý giải về việc bổ nhiệm cán bộ ở Viện Mắt Trung ương bị chậm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay vì số phiếu ngang nhau, Viện không quyết được cấp trưởng, đề nghị Bộ quyết định. Tuy nhiên, do Bộ phải chờ hơn 1 năm để làm đề án thí điểm thi tuyển cấp trưởng các đơn vị sự nghiệp, chờ hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ nên việc bổ nhiệm có chậm trễ.

Nếu tiếp tục chờ đợi hướng dẫn sẽ dẫn đến nhiều khó khăn nên vừa qua Bộ đã đề nghị bằng văn bản và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho bổ nhiệm người đứng đầu bệnh viện này và Bộ đã làm đúng quy trình.

Cũng như vậy, ở Bệnh viện Việt-Đức, do không phân định được nên Bộ đã đưa ra phương án để ông Trịnh Hồng Sơn làm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị vì có chuyên môn giỏi, uy tín, để có thương hiệu cho bệnh viện. Tuy nhiên, sau đó ông Sơn không đồng ý và đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế.

“Chúng tôi tôn trọng nguyện vọng của ông Sơn, tuy nhiên hiện nay hơi khó vì đã ổn định bộ máy Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện Việt-Đức,” Bộ trưởng Tiến cho hay.

Về vấn đề đơn tố cáo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Văn Tác, bà Tiến cho biết, Bộ đã lập đoàn thanh tra theo Luật khiếu nại, tố cáo, tuy nhiên sau đó Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cũng thành lập đoàn kiểm tra nên mặc dù đã thực hiện xong nhiệm vụ, quy trình theo đúng yêu cầu, nhưng đoàn của Bộ không kết luận vì để đoàn kiểm tra của Đảng ủy Khối sau khi thanh tra, kết luận sẽ thông báo công khai.

Báo cáo đã được Bộ gửi tới các ban Đảng, Ban cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan liên quan khác. Với đơn tố cáo của Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Bộ trưởng Tiến khẳng định không có chứng cớ.

“Với tư cách Bí thư Ban cán sự Đảng bộ, Bộ trưởng, đến giờ này tôi có thể khẳng định công tác quy hoạch, quy trình bổ nhiệm cơ bản đúng yêu cầu, công khai, minh bạch và khá thận trọng” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số 95 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ ngày 1/1 đến ngày 10/10, Bộ Y tế đã hoàn thành đúng thời hạn 23 nhiệm vụ, hoàn thành nhưng quá thời hạn 10 nhiệm vụ, 59 nhiệm vụ Bộ đang triển khai thực hiện và 3 nhiệm vụ quá thời hạn giải quyết.

Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án trong Chương trình công tác năm 2016. Năm 2016, Bộ đã đăng ký thực hiện tổng cộng 22 đề án.

Tuy nhiên, Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia chưa được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2016 do vậy Bộ phải trình 21 đề án trong Chương trình công tác năm 2016. Trong đó, 15 đề án đã hoàn thành đúng hạn, 3 đề án quá hạn chưa trình Chính phủ, 3 đề án chưa đến thời hạn trình.

Một trong những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế được cho là quá hạn, đó là đánh giá kết quả thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương. Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Thủ tướng giao nhiệm vụ Bộ sẽ làm, nhưng không đánh giá được.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Văn phòng Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ để giao nhiệm vụ cụ thể, xem xét lại, bổ sung nhiệm vụ để giao cho Bộ Y tế cùng phối hợp với các Bộ xử lý vấn đề liên quan đến đánh giá kết quả thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, Bộ Y tế có nhiều cố gắng trong phân nhiệm vụ cho các đơn vị, quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong thời gian ngắn đã giúp Chính phủ xây dựng các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.

Vấn đề cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các bệnh viện… đều được Bộ quan tâm thực hiện.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Y tế có nhiều giải pháp tích cực hơn, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát, tránh lợi dụng, cấu kết, lợi ích nhóm giữa bệnh viện với bác sỹ, với người nhà và bệnh nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức thực hiện các chương trình hành động, khắc phục những điều người dân đang phàn nàn, kêu ca.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề án quy hoạch tuyến y tế cơ sở.

Ông giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ phối hợp với Chánh văn phòng Bộ Y tế kết nối hệ thống, cập nhật chính xác các nhiệm vụ giao cho Bộ./.  

Chu Thanh Vân/TTXVN

Chia sẻ bài viết