Một miền ký ức
Thư viện tỉnh hơn 40 năm tuổi. Tiền thân của thư viện là Phòng đọc thị xã Tân An (trụ sở đặt tại Bưu điện thành phố ngày nay). Được thành lập năm 1978, thư viện tỉnh trực thuộc Ty Văn hóa Long An với vốn sách ban đầu là 10.000 bản. Số sách đó một phần được hỗ trợ từ Thư viện Hưng Yên, một phần sáp nhập từ phòng đọc của thị xã. Trụ sở thư viện lúc bấy giờ tại số 72, Nguyễn Huệ, phường 1, thị xã Tân An. Năm 1995, khi Sở Văn hóa Thông tin cũ dời địa điểm thì Thư viện được tiếp quản trụ sở của Sở, dời về đường Trương Công Xưởng cho tới ngày nay.
Tòa nhà Thư viện tỉnh, trước đây là trụ sở Sở Văn hóa Thông tin, nay đã nhuốm màu thời gian
Trước tòa nhà, tấm bảng Bảo tàng - Thư viện tỉnh khiêm tốn đính một bên cổng. Bên trong khoảng sân, không gian yên ắng. Bước vào khuôn viên thư viện, ta như cảm nhận được sự nhẹ nhàng, thời gian trôi chầm chậm. Tòa nhà thư viện trước đây vốn là trụ sở Sở Văn hóa Thông tin cũ. Những bức tường, ô cửa đã nhuốm màu thời gian. Từ cổng bước vào, phòng đọc thư viện Trần Văn Giàu, phòng mượn sách mở cửa như chờ đón. Rẽ sang bên trái là cầu thang dẫn lên phòng đọc. Không gian không quá rộng nhưng được trang bị đầy đủ bàn, ghế, quạt trần, đèn chiếu sáng và wifi miễn phí dành cho bạn đọc. Những kệ sách, báo được đặt quanh tường. Không gian yên ắng, mát mẻ, đủ sáng để mỗi người có thể chìm vào thế giới riêng của mình với sách, báo và công việc. Thư viện đúng là một nơi làm việc, học bài, đọc sách lý tưởng.
Thư viện tỉnh vốn là một mảng ký ức đẹp của một thế hệ người ở thị xã Tân An xưa. Đây cũng là địa điểm quen thuộc của nhiều lớp học trò vào những năm 90. Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - Đàm Văn Tuyến cho biết: “Ngày đó, cứ làm xong việc nhà là tôi ra thư viện học bài. Phần vì hoàn cảnh khó khăn, phần vì bản thân không thích học thêm nên tôi xác định mình phải tự học. Thư viện có nhiều đầu sách, không gian yên tĩnh, thích hợp cho việc nghiên cứu, học tập. Sau này, khi học thạc sĩ, tôi vẫn vào Thư viện tỉnh học bài và làm việc”. Với thầy Tuyến, thư viện gắn liền với một khoảng thời gian thanh xuân của thầy.
Từng bước đổi mới để phù hợp với thời đại số
Thư viện giờ đây đã qua thời "hoàng kim". Càng về sau, thư viện càng vắng vẻ, người lui tới chỉ để mượn sách mang về, ít ai lưu lại đọc. Ông Phạm Thanh Dân (phường 7, TP.Tân An) vốn là một bạn đọc "trung thành" của thư viện tỉnh. Ông đọc sách tại thư viện đã ngoài 20 năm, từ khi còn chưa nghỉ hưu. Mỗi ngày, ông dành chút thời gian đến thư viện đọc báo và tạp chí. Khi thư viện còn hoạt động buổi tối, ông hay lui tới sau giờ hành chính. Sau này, ông thường tới thư viện vào các buổi sáng trong ngày, đôi khi một tuần 2-3 lần. Ông Dân nói: “Tôi bị "nghiện" mùi sách giấy và báo giấy. Tôi xem việc đọc như là một điều không thể thiếu trong cuộc sống của mình nên duy trì thói quen đến thư viện. Có những ngày tôi đến đọc rồi về lặng lẽ vì trong phòng đọc rộng chỉ có mỗi tôi ngồi!”.
Không gian phòng đọc tại Thư viện tỉnh không quá rộng nhưng được trang bị đầy đủ bàn, ghế, quạt trần, đèn chiếu sáng và wifi miễn phí dành cho bạn đọc
Xã hội ngày càng phát triển, mọi người có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin thông qua Internet; sách giấy, báo giấy dường như không còn thu hút nữa. Hòa theo dòng chảy đó, Thư viện tỉnh đang từng bước đổi mới. Vẫn ở trụ sở cũ, dưới bóng những hàng lim già, thư viện đang trẻ hóa với dự án thư viện điện tử. Website http://thuvien.longan.gov.vn/ đã chính thức đưa vào hoạt động. Tại đó, bạn đọc có thể tra cứu quyển sách mình cần, đọc sách online ngay trên trang web mà không cần đến thư viện hoặc có thể biết chính xác quyển sách mình muốn đọc hiện có ở thư viện hay không.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Lê Việt Hùng, ngoài lượng sách được scan từ nguồn sách giấy có sẵn, Thư viện tỉnh còn mua Ebook từ bên ngoài về để phục vụ bạn đọc. Hiện tại, thư viện tổ chức liên thông với các thư viện huyện, thị xã, nhằm giúp bạn đọc có thể truy cập và đọc được sách tại các thư viện trên toàn tỉnh.
Những cán bộ, người làm việc tại Thư viện tỉnh vẫn đang miệt mài cập nhật, tóm tắt nội dung sách lên trang web của thư viện để phục vụ bạn đọc hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, muốn đọc hay mượn sách tại thư viện, người đọc phải có thẻ đọc, thẻ mượn. Tuy nhiên, trên thực tế, theo nguyên tắc, thư viện luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để bạn đọc tiếp cận với sách, báo, không gian đọc tại thư viện một cách dễ dàng nhất.
Qua bao thăng trầm, thay đổi, Thư viện tỉnh vẫn lặng yên đứng đó. Đầu sách vẫn được cập nhật hàng năm, bàn ghế vẫn được quét dọn mỗi ngày. Sách, báo vẫn được bảo quản kỹ càng, chờ người đọc đến./.
Quế Lâm