Chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Qua khỏi trụ sở UBND xã, chúng tôi đến ấp T3. 4 năm trở lại, nơi này thật sự khởi sắc. Dọc 2 bên tuyến đường đal được xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới là những cánh rừng tràm, ruộng chanh xanh mướt đang trĩu quả. Trước đây, nhiều người từ Bến Tre, Hải Dương, Hưng Yên,... đến đây lập nghiệp nhưng Thuận Bình lúc bấy giờ còn là vùng đất nhiễm phèn nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Theo UBND xã Thuận Bình, trước đây, đời sống người dân chủ yếu dựa vào cây tràm, cây lúa nhưng sản xuất kém hiệu quả. Từ năm 2010, địa phương khuyến khích chuyển đổi cây trồng phù hợp. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu điều kiện tự nhiên cùng sự hướng dẫn của cấp trên, nông dân Thuận Bình chọn trồng chanh không hạt. Đây được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, toàn xã có khoảng 280ha chanh không hạt, 1 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác được thành lập nhằm bảo đảm đầu ra cho chanh.
Ông Huỳnh Công Bá “đổi đời” nhờ trồng chanh không hạt
Ông Huỳnh Công Bá, ngụ ấp T3, là một trong những nông dân “đổi đời” nhờ trồng chanh. Theo ông Bá, trước đây, gia đình ông trồng 3ha lúa nhưng năng suất không cao. Thấy một số hộ dân trong xã “phất” lên nhờ trồng chanh, năm 2015, ông cải tạo đất, chuyển toàn bộ diện tích sang trồng loại cây này. “Trước khi chuẩn bị trồng chanh, tôi học tập kinh nghiệm từ những nông dân khác, tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trồng chanh do địa phương tổ chức. Nhờ có mấy anh kỹ sư nông nghiệp đến tận vườn hướng dẫn nên trồng chanh mới đạt hiệu quả cao. Hiện tại, mỗi năm, tôi lãi vài trăm triệu đồng từ chanh không hạt. Vợ chồng tôi mướn thêm 5 lao động để chăm sóc, thu hoạch chanh” - ông Bá phấn khởi cho biết.
Ngoài trồng chanh, xã còn thí điểm mô hình trồng bưởi da xanh, mãng cầu gai, chuối (8ha) và một số cây ăn trái khác.
Đời sống được cải thiện
Hiệu quả từ những mô hình này góp phần cải thiện đời sống người dân. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 8%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15 triệu đồng/năm thì hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,67%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên gần 38 triệu đồng/năm.
“Thuận Bình trước đây nghèo lắm! Giao thông cách trở, mỗi khi có việc cần đến trụ sở UBND xã, chúng tôi phải đi bằng xuồng. Nhưng bây giờ, đời sống người dân được nâng lên” - ông Phạm Thanh Tùng, ngụ ấp Đồn A, vừa nói, vừa phấn khởi khoe vườn chanh nhà mình: “Trái ra quanh năm, cứ 20 ngày, tôi thu hoạch một lần, tính ra mỗi năm lãi cả trăm triệu đồng”. Theo ông, so với trồng lúa, chi phí đầu tư trồng chanh cao hơn nhưng thời gian lấy lại vốn ngắn và thu hoạch lâu dài nên hiệu quả cao hơn.
Đường giao thông ấp T3 được bêtông hóa
Niềm vui của người dân Thuận Bình không chỉ có đời sống được cải thiện mà còn là diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Những con đường nhỏ dẫn vào các ấp được quan tâm xây dựng, nhiều tuyến được bêtông hóa, đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, công trình Trường THCS Thuận Bình được gấp rút xây dựng, hướng đến đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Chủ tịch UBND xã Thuận Bình - Nguyễn Văn Tèo cho biết, dù cuộc sống người dân thay đổi hơn trước nhưng điều kiện của xã vẫn chưa bằng một số địa phương khác. Cái khó của địa phương là trong thực hiện một số công trình công cộng, người dân đồng tình, hưởng ứng nhưng vì chi phí đầu tư khá cao nên sức đóng góp còn hạn chế. Hiện tại, địa phương mong cấp trên quan tâm xây dựng Đường tỉnh 839, đoạn nối với Quốc lộ N2 để người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Xã tiếp tục hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng các loại cây ăn trái phù hợp, nạo vét kênh, mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong đợt phát động thi đua kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), địa phương vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Bình tiếp tục nỗ lực trên chặng đường xây dựng quê hương./.
Thanh Nga