Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc luôn là mục tiêu của hầu hết gia đình, của những đôi lứa yêu nhau. Thế nhưng, để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải vượt qua bao khó khăn, thách thức, đòi hỏi mọi người trong gia đình phải đồng lòng, hòa thuận, biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người đàn bà và ngược lại.
Chính không khí hạnh phúc trong gia đình, sự hòa thuận của đôi lứa là chất men gắn kết, làm thăng hoa cuộc sống. Trong gia đình, ngoài tình yêu, thủy chung thì sự quan tâm chia sẻ vui buồn, công việc, nội trợ, nuôi dạy con,... sẽ giúp vợ chồng càng gắn bó, hạnh phúc.
Người phụ nữ ngày nay không chỉ là người nội trợ, chị em còn tham gia các hoạt động: lao động, sản xuất, mua bán, làm kinh tế, chính trị, kể cả công tác xã hội. Ngoài gia đình, họ còn có trách nhiệm với cơ quan, đơn vị, xã hội và còn cần thời gian học tập, thư giãn. Do đó, quỹ thời gian dành cho gia đình cũng vơi bớt đi. Vì vậy, họ rất cần sự cảm thông, chia sẻ, động viên của nam giới. Thay vì để người phụ nữ loay hoay với thiên chức làm mẹ, làm vợ, vùi đầu với công việc nội trợ, chăm con thì nam giới có thể vui vẻ cùng chia sẻ công việc gia đình, nuôi dạy, chăm sóc con. Mọi người trong gia đình sẽ có cảm giác đầm ấm, hạnh phúc hơn khi quan tâm lẫn nhau, chia sẻ công việc và cùng thư giãn, vui chơi bên nhau.
Phong trào “Nam giới điểm 10” được nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện, nhân rộng trong thời gian qua tạo điều kiện cho phụ nữ vừa làm tốt trách nhiệm trong gia đình, vừa tham gia công tác xã hội để cùng chung tay xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Trong phong trào này, nam giới không những làm tốt nhiệm vụ ở cơ quan mà còn xây dựng gia đình hạnh phúc, chia sẻ công việc với phụ nữ. Mặc dù mức độ bao phủ của phong trào chưa rộng khắp, chưa lan tỏa vào đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn nhưng phong trào tạo nhiều hiệu ứng xã hội, ngày càng thu hút nam giới đăng ký tham gia; qua đó, xuất hiện nhiều gia đình văn hóa, hạnh phúc, thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình,... Phong trào này cần được nâng chất và nhân rộng, nhất là địa bàn nông thôn.
Hiện nay, do những bức bách trong cuộc sống của một số gia đình nên tình trạng bạo hành, ly hôn diễn ra ngày càng nhiều; thậm chí có những vụ án kẻ thủ ác và nạn nhân cùng chung một gia đình, gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong xã hội. Trong những lý do gây cảnh ly tán, có nguyên nhân thiếu sự quan tâm, chia sẻ công việc gia đình, nảy sinh bất hòa dẫn đến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng,... rất cần những giải pháp hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc. Và mô hình “Nam giới điểm 10” là một điểm sáng cần phát huy./.
Kim Quy