Tiếng Việt | English

05/04/2017 - 16:21

Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Các tỉnh, thành phố trong vùng hãy thật sự vào cuộc

Đó là lời kêu gọi của Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch – Hà Văn Siêu tại Hội nghị Công bố và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được tổ chức tại TP. Cần Thơ vào ngày 05/4/2017.

Tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu kêu gọi các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long hãy thật sự vào cuộc để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch và thực hiện quy hoạch này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Lê Tấn Dũng và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng dự hội nghị.


Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch – Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị

Cũng theo ông Hà Văn Siêu, thời gian qua, du lịch đồng bằng sông Cửu Long từng bước phát triển nhưng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý du lịch cần đẩy mạnh tuyên truyền đưa quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đi vào đời sống và qua đó, nâng cao ý thức người dân về du lịch.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ góp phần thúc đẩy du lịch trong vùng phát triển. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch của vùng trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa của vùng. Đồng thời, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, huy động hợp lý các nguồn lực để phát triển du lịch bền vững, hài hòa và phát triển du lịch thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Quy hoạch cũng nêu những định hướng phát triển du lịch chủ yếu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển sản phẩm du lịch; phát triển đồng thời thị trường khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế; tổ chức không gian phát triển du lịch; các tuyến du lịch và đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù như du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa; củng cố các sản phẩm du lịch chính như nghỉ dưỡng biển – đảo, vui chơi giải trí và nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ gồm du lịch cộng đồng, tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa.


Lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự hội nghị công bố và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Về không gian du lịch, có không gian du lịch phía Tây và phía Đông; trong đó, tỉnh Long An thuộc không gian du lịch phía Đông với định hướng khai thác du lịch sông nước, miệt vườn, tham quan làng nghề, di tích lịch sử - văn hóa,… cùng các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Đối với các tuyến du lịch, ngoài tuyến du lịch nội vùng với 2 tuyến du lịch chính và tuyến phụ trợ còn có tuyến du lịch liên vùng theo đường bộ, đường thủy và đường hàng không; trong đó Long An và Đồng Tháp là 2 địa phương có điều kiện thuận lợi tổ chức các tuyến du lịch sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười.

Để thực hiện hiệu quả, quy hoạch nêu 10 nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; quy hoạch và quản lý quy hoạch; đầu tư và huy động nguồn vốn phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác, liên kết phát triển du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch trong vùng; bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển thị trường – sản phẩm và xây dựng thương hiệu du lịch vùng;…

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch một số tỉnh, thành phố nêu ý kiến về tổ chức thực hiện quy hoạch; trong đó; nhấn mạnh cần có Ban Điều phối để việc liên kết vùng thực hiện thuận lợi hơn, phải có cơ chế, chính sách đặc thù khi thực hiện quy hoạch và ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thúc đẩy du lịch phát triển./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích