Hiện nay, chính sách an sinh xã hội (ASXH) từng bước được hoàn thiện, bảo đảm quyền lợi của người dân, đặc biệt quan tâm đến người có công với cách mạng, người nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo,... góp phần bảo đảm thu nhập và đời sống cho người dân.
Tuy nhiên, các chế độ, chính sách, hỗ trợ ASXH vẫn còn sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị; các chính sách ASXH còn phân tán, chồng chéo, hiệu quả chưa cao, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; nguồn lực cho ASXH từ xã hội hóa còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách của Nhà nước. Vì vậy, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân cùng góp sức tạo bước đột phá về ASXH, tạo đà cho sự phát triển bền vững KT-XH. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần rà soát, nắm chắc các nhóm đối tượng để thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ASXH như giảm nghèo kết hợp dạy nghề với tổ chức sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn để phát triển kinh tế, ổn định thu nhập cho người dân, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, trợ cấp, bảo hiểm y tế,... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận đầy đủ chính sách ASXH theo quy định.
Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác ASXH với các hoạt động thiết thực vì người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh vùng khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật, giúp họ ổn định cuộc sống; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp tết. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ASXH, hướng đến mở rộng đối tượng, tăng cường các hoạt động trợ giúp thường xuyên, đột xuất và cứu trợ tự nguyện nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân.
Việc đẩy mạnh các chính sách ASXH là giải pháp khả thi để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ASXH đi vào cuộc sống./.
Vĩnh Nhất