“An cư, lạc nghiệp”
Xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng có 95 hộ di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam, với trên 430 nhân khẩu, chủ yếu sống ở ấp 2. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình - Nguyễn Minh Thy cho biết: “Trước kia, họ sống ở khu vực Biển Hồ, Campuchia. Mấy năm gần đây, nguồn cá ít đi, đời sống khó khăn nên họ quay về Việt Nam sinh sống chủ yếu bằng nghề bán vé số, bán lục bình và làm thuê. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của người dân, tỉnh xuất ngân sách và vận động các nhà hảo tâm xây dựng 75 căn nhà cho các hộ di dân tự do, góp phần giúp họ an cư, lạc nghiệp”.
Đến ấp 2, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà tường mọc san sát nhau, trên khuôn mặt người dân đều rạng rỡ nụ cười hạnh phúc. Được biết, trước đây, nơi này là khu đất trống, sau đó, các hộ di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam vì không có đất nên mượn tạm, dựng chòi để ở. đối với họ, có được căn nhà che nắng, trú mưa là niềm mơ ước.
Gia đình ông Trần Văn Nhân có được căn nhà khang trang, đời sống bớt vất vả (ảnh tư liệu)
Ông Trần Văn Nhân, ngụ ấp 2, nghẹn ngào: “Năm 2007, gia đình tôi gồm 9 thành viên cùng nhau về xã Vĩnh Bình sinh sống. Về quê hương, người Việt mình cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Thấy vậy, tôi nói anh em, dòng họ (hơn 10 gia đình) trở về Việt Nam sinh sống. Mặc dù không có giấy tờ, không biết chữ, không có đất đai, cuộc sống còn nhiều lo toan nhưng chính quyền địa phương, nhiều mạnh thường quân thường xuyên quan tâm giúp đỡ, có khi là vài kilôgam gạo, thùng mì, rất ấm lòng. Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết, có nhiều đoàn từ thiện đến tặng quà cho chúng tôi. Mấy chục năm sống bên Campuchia nhưng chưa có năm nào chúng tôi đón tết đầm ấm như ở Việt Nam”.
Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được sự biết ơn của những người di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam. Họ biết ơn Đảng và Nhà nước đã hết lòng quan tâm, hỗ trợ. Bà Lê Thị Thơ, ngụ ấp 2, bộc bạch: “Có được cuộc sống như hiện tại, gia đình tôi mừng lắm! Đó là nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và người dân xung quanh. Bây giờ, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người Việt đang sống ở Biển Hồ muốn về Việt Nam cũng khó, còn ở lại bên đó thì vất vả trăm bề”.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Ngược về ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, chúng tôi được nghe câu chuyện làm giàu của vợ chồng ông Phạm Hữu Huệ. Nhìn ngôi nhà tường khang trang, đầy đủ tiện nghi, ít ai biết rằng, vợ chồng ông từng trải qua thời gian đầy gian khổ.
Gia đình ông Phạm Hữu Huệ có cuộc sống ổn định nhờ sự giúp đỡ của nhiều người sau khi trở về
Việt Nam sinh sống
Ông Huệ bộc bạch: “Vợ chồng tôi từng sống ở Campuchia nhưng cuộc sống vất vả, khó khăn nên quyết định về Việt Nam sinh sống. Vợ tôi là người Campuchia, còn tôi là người Việt, khi trở về Việt Nam, tôi được gia đình cho miếng đất che tạm cái chòi. Do sinh sống bên nước bạn thời gian dài, hiểu được phong tục, tập quán của người Campuchia nên vợ chồng tôi quyết định bán tạp hóa cho người Việt và người Campuchia. Chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp tạo điều kiện giao thương thuận lợi nên cuộc sống ngày càng khấm khá, xây dựng được ngôi nhà tường khang trang”.
Những ngày đầu khi mới về Việt Nam sinh sống, vợ chồng ông Huệ chỉ có đôi bàn tay trắng, không vốn liếng. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Huệ, nhiều tiểu thương ở chợ Kiến Tường chủ động cho vợ chồng ông lấy hàng thiếu để buôn bán, sau đó mới trả tiền. Chính sự giúp đỡ, cưu mang của người dân giúp vợ chồng ông Huệ có được cuộc sống ổn định, nuôi hai người con học hành thành tài.
Lớp học tình thương nơi biên giới của con em Việt kiều từ Campuchia về Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Rời gia đình ông Huệ, chúng tôi đến thăm lớp học đặc biệt nơi biên giới. Ở lớp học này, học sinh có nhiều độ tuổi khác nhau, đa số sống bằng nghề bán vé số nhưng đều chung mong ước tìm con chữ để cuộc sống sau này bớt vất vả hơn. Đây là lớp học tình thương do Đồn Biên phòng Tuyên Bình mở, dạy con em người di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam.
Thầy Tô Văn Nhanh (giáo viên chuyên trách phổ cập, xóa mù chữ Trường Tiểu học và THCS Tuyên Bình) chia sẻ: “Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình tăng cường phòng, chống dịch nên học sinh tạm thời nghỉ học. Thông thường, lớp học bắt đầu từ 18 giờ 30 phút, với trên 50 trẻ em tham gia. Đến đây, các em không chỉ được tặng sách, vở mà còn thường xuyên được nhận quà, quần áo từ các nhà hảo tâm gửi đến. Lớp học này vừa giúp các em biết chữ, vừa rèn người”.
Cuộc sống dẫu còn nhiều bộn bề, lo toan nhưng nhiều người vẫn dang rộng vòng tay, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn. Nét đẹp tình người, nghĩa đồng bào một lần nữa được nhân lên./.
Lê Ngọc