Triển khai nhiều chương trình
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả lĩnh vực KT - XH, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tác động trực tiếp đến xuất, nhập khẩu và thương mại của thị trường nội địa. Để khắc phục tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, khôi phục nhanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế, Sở Công Thương xây dựng chương trình hành động, giúp DN phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong năm 2021, 2022.
Song song đó, Sở Công Thương đã tích cực tham mưu UBND tỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh; ban hành nhiều kế hoạch, văn bản triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; chương trình Xúc tiến thương mại và Công nghiệp hỗ trợ tỉnh Long An năm 2022;...
Đồng thời, Sở Công Thương tiến hành đăng ký dự án thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023, đề xuất kinh phí từ Bộ Công Thương để hỗ trợ các điểm bán hàng Việt tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm dừng chân, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, thời gian qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhằm chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa ứng phó diễn biến mới của dịch Covid-19, ngoài việc lên phương án cung ứng, phân phối các mặt hàng thiết yếu cho người dân theo các tình huống, Sở Công Thương còn tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, kết nối cung - cầu và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của các địa phương.
Đến nay, các hình thức kết nối cung - cầu vẫn được duy trì quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của các DN, cơ sở sản xuất trong nước, thông tin về thị trường, giá cả hàng hóa, nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm, các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến,... lên Trang thông tin điện tử của Sở; trang fanpage sản phẩm Long An; nhóm Zalo giao thương các tỉnh, Zalo Hiệp hội DN Long An, Zalo đồng hương Long An.
Qua đó, nhiều sản phẩm của tỉnh được quảng bá, kết nối tiêu thụ với nhiều DN trong và ngoài tỉnh. Sở Công Thương cũng triển khai hỗ trợ DN tham gia sàn thương mại điện tử với các trang mua sắm như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso, Postmart, Alibaba.
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều sản phẩm của tỉnh được quảng bá, kết nối tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh
Hàng Việt chiếm ưu thế
Vừa qua, Sở Công Thương chủ trì phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế, UBND huyện Thủ Thừa, UBND huyện Bến Lức tổ chức “Chuyến xe lưu động bán hàng bình ổn tại khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022”.
Theo đó, các phiên bán hàng được tổ chức lưu động từ 16 đến 20 giờ hàng ngày, phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân và người dân. Chuyến xe lưu động đã thu hút nhiều DN tham gia với nhiều hàng hóa giá bình ổn, nhiều mặt hàng có giá giảm. Qua các chuyến bán hàng góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân, cơ quan, DN đẩy mạnh hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng tích cực CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cũng thông qua các chuyến bán hàng, công nhân, người dân được tiếp cận các sản phẩm do DN trong nước sản xuất bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp thu nhập của người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Qua các chuyến bán hàng còn giúp DN tiếp cận thị trường nông thôn, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng khu vực nông thôn.
Ngoài việc bán hàng, DN trong và ngoài tỉnh còn đăng ký thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Trong những tháng đầu năm 2022, Sở Công Thương đã tiếp nhận 7.304 chương trình khuyến mại trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị hàng hóa trên 15.000 tỉ đồng. Qua đó, trong những tháng đầu năm, giá cả nguyên, vật liệu tăng nhưng nhờ thực hiện các hoạt động kết nối, bình ổn, quảng bá hàng Việt đã góp phần ổn định tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh, hàng hóa dồi dào, phong phú, bảo đảm đủ cung cấp nhu cầu mua sắm của người dân. Nhiều mặt hàng giảm giá khuyến khích kích cầu, DN chia sẻ khó khăn của người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, nhờ các hoạt động triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, DN chú trọng đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng hàng hóa. Đồng thời, DN mở rộng hệ thống phân phối, cung cấp tới tay người tiêu dùng các sản phẩm Việt có thương hiệu, uy tín. Bên cạnh đó, DN cũng thực hiện nhiều biện pháp truyền thông về sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng. Từ đó, hàng hóa Việt trở nên gần gũi với người tiêu dùng và chọn hàng Việt trong mua sắm. Theo thống kê từ Bộ Công Thương, hàng Việt hiện chiếm trên 90% trong các cơ sở phân phối của DN trong nước.
Cũng theo bà Châu Thị Lệ, bên cạnh những ưu điểm, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Sở cũng khuyến khích mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại: Siêu thị, cửa hàng tiện ích,... để phát triển kênh tiêu thụ hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, khuyến công, phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng Việt, nhất là hàng nông sản, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh./.
Mai Hương