Trao “cần câu” phù hợp
Xác định rõ, giúp người dân thoát nghèo phải giúp từ gốc nên xã Mỹ Yên lựa chọn hỗ trợ giống, vật nuôi cho hộ nghèo thay vì trao tiền. Theo đó, xã ưu tiên lựa chọn những hộ nghèo có khả năng thoát nghèo cao và đủ các điều kiện: Có lao động nhưng không có việc làm, nghèo do thiếu vốn sản xuất, nghèo do gia đình đông nhân khẩu. Với những tiêu chí đó, xã chọn được 7 hộ phù hợp.
Mỗi hộ có một hoàn cảnh khác nhau và rất cần được động viên, giúp đỡ. Trong đó, hộ ông Nguyễn Tri Thức, ngụ ấp 3, có 5 nhân khẩu. Vợ ông Thức là lao động chính trong gia đình nhưng không may mắc bệnh nặng. Gia đình vốn khó khăn càng khó khăn hơn khi người con gái lớn của ông cũng mắc bệnh. Người con gái thứ hai phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình và nuôi người em trai út học phổ thông. Hay hoàn cảnh của gia đình ông Lê Văn Đan, ngụ ấp 4, cũng vậy. Ông Đan vốn là trụ cột chính nhưng mắc bệnh động kinh nên không còn khả năng lao động. Hiện cả gia đình ông chỉ trông chờ vào tiền lương chưa đến 3 triệu đồng/tháng của vợ ông. Số tiền ít ỏi ấy không chỉ nuôi sống gia đình mà còn lo thuốc thang cho ông và nuôi người con đi học. Những hoàn cảnh khác cũng có những khó khăn riêng và rất cần được tiếp sức để vươn lên thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung ngày nào cũng phụ anh trai cắt cỏ cho đàn bò của gia đình
Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Mỹ Yên - Đặng Thị Hương Lan cho biết: “Chọn được 7 hộ nghèo để trao “cần câu” là quá trình khảo sát nghiêm túc, công tâm trong 46 hộ nghèo thời điểm năm 2015. Đây là những hộ chỉ cần tiếp sức đúng cách là có thể thoát nghèo. Ngoài ra, khi chọn được các hộ cần giúp đỡ, xã tiến hành lấy ý kiến từng hộ, chọn ra phương thức hỗ trợ phù hợp. Từ đó, các hộ thống nhất tặng bò. Bởi, nuôi bò không tốn nhiều chi phí, tận dụng được thời gian nhàn rỗi và bò cũng dễ nuôi”.
Khi quyết định con bò là “cần câu” giúp các hộ dân thoát nghèo, xã tiến hành chọn giống bò tốt, phù hợp với địa phương. Mỗi con bò giống trị giá 25,3 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ bò, mỗi hộ còn được hỗ trợ thêm 3,3 triệu đồng để làm chuồng và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò.
Vươn lên thoát nghèo
Được trao bò, ai cũng vui mừng. Từ đó, các hộ có thêm động lực vươn lên thoát nghèo. Một trong những hộ được trao bò là gia đình anh Nguyễn Minh Trí (29 tuổi), ngụ ấp 7B. Được biết, anh Trí tốt nghiệp đại học nhưng vì ba mẹ đều bệnh nặng cần người ở cạnh chăm sóc nên anh tạm gác con đường lập nghiệp xa nhà. Thời điểm ấy, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, ba mẹ bệnh nặng nên khó khăn chồng chất khó khăn. Em gái anh Trí - chị Nguyễn Thị Kim Dung, tốt nghiệp cao đẳng cũng quyết định ở nhà cùng anh trai chăm sóc ba mẹ.
Anh Trí kể: “Mẹ bệnh rất nặng phải nằm bệnh viện suốt. Ba thì suy sụp tinh thần dẫn đến tâm trí không được như trước, thêm vào đó sức khỏe yếu, không thể tự sinh hoạt. Do đó, 2 anh em tôi phải thay nhau chăm sóc. Ba mẹ bệnh, gia đình mượn nợ ngày càng nhiều. Nay, ba mẹ đã mất, hai anh em tôi nương tựa nhau và quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Nhờ được tặng bò, gia đình tôi có được “tài sản”. Ngoài ra, tôi và em gái còn trồng 0,2ha lúa do ba mẹ để lại”.
Nhờ chí thú làm ăn, quyết tâm vươn lên, gia đình anh Trí thoát nghèo sau 1 năm được tặng bò. Hiện gia đình anh có 3 con bò với 2 con bò cái đang mang thai và 1 con bò đực. Anh Trí dự định tiếp tục phát triển đàn bò để kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Anh Huỳnh Thanh Phong hết giờ làm là tranh thủ về chăm sóc bò
Hay hộ anh Huỳnh Thanh Phong (45 tuổi), ngụ ấp 4, cũng thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn làm ăn. Vợ anh Phong bị bệnh viêm gan siêu vi B nên không còn khả năng lao động, do đó thu nhập từ việc làm hồ của anh không đủ để trang trải cuộc sống và lo thuốc thang cho vợ. Vì thế, gia đình anh khó thoát nghèo nếu không được tiếp sức.
Anh Phong tâm sự: “Thời điểm ấy, gia đình gặp nhiều khó khăn nên tôi phải vay tiền để lo cho con ăn học. Nhờ xã tặng bò, tôi cố gắng vừa làm hồ, vừa tranh thủ thời gian đi kiếm cỏ cho bò ăn”. Sau khi con gái tốt nghiệp đại học, có việc làm, người vợ sức khỏe ổn định hơn và bán được bò con, gia đình anh Phong thoát nghèo và tích cóp tiền sửa sang ngôi nhà. Nhờ an cư, lạc nghiệp, anh quyết chí làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ chọn đúng cách giúp và giúp kịp thời, cả 7 hộ được tặng bò vào cuối năm 2015 đều thoát nghèo sau 1 năm được hỗ trợ. Và sau 3 năm, những con bò giống của 7 hộ vẫn là “cần câu” hiệu quả. Có gia đình bán bò con, chỉ nuôi bò giống, có gia đình tiếp tục phát triển thành đàn bò. 7 hộ này không những không tái nghèo mà kinh tế cũng ngày càng phát triển./.
Ngọc Sương