Công nhân làm việc tại nhà máy thuộc Công ty CP Songwol Vina (Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa) - một trong những dự án FDI tăng vốn trong năm 2016
Tạo môi trường thông thoáng
Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh thực hiện kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, sở triển khai sử dụng phần mềm quản lý đất đai (Vilis) trong công tác cập nhật thông tin địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm kinh phí vận chuyển và hạn chế việc trễ hạn trong giải quyết hồ sơ đất đai.
Giám đốc Sở TN&MT - Phan Nhân Duy thông tin: Hiện, viên chức chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố tác nghiệp hằng ngày trên phần mềm Vilis, được kết nối và cập nhật trực tiếp vào cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh. Từ đó, quản lý, truy xuất dễ dàng các giao dịch, biến động đất đai phát sinh một cách nhanh chóng, thuận tiện; thực hiện việc in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tỉnh, tiết kiệm nhiều thời gian và kinh phí. Ưu điểm của phần mềm Vilis là có độ chính xác, tính bảo mật cao, truy xuất, cập nhật thông tin nhanh chóng, toàn bộ thông tin về đất đai đều được quản lý trong một cơ sở dữ liệu duy nhất. Cán bộ phụ trách công việc theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình biến động đất đai, từ đó tiết kiệm thời gian, kinh phí, hạn chế thấp nhất việc giải quyết hồ sơ trễ hạn, thuận lợi hơn trong việc cung cấp thông tin cho người dân và DN.
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 471/QĐ-UBND, ngày 01-02-2016 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2016 trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT được giao rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính. Qua rà soát, Sở TN&MT cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính so với thời gian do Trung ương quy định. Cụ thể: Thủ tục xác định giá đất theo quy định 42 ngày, nay giảm xuống còn 18 ngày; cấp giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định 75 ngày (khu vực không đấu giá), giảm còn 70 ngày và theo quy định 45 ngày (khu vực trúng đấu giá), giảm còn 40 ngày; cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản theo quy định 20 ngày, giảm còn 17 ngày; gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản và giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định 25 ngày, giảm còn 22 ngày;...
Hiện nay, vấn đề giải tỏa đền bù đất đai tại một số dự án khu công nghiệp (KCN) ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn cho nhà đầu tư hạ tầng lẫn nhà đầu tư thứ cấp. Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Phạm Thanh Bình cho biết: Nhằm chủ động giải quyết các vướng mắc này, ban cử 1 cán bộ tham gia tổ tư vấn do Sở TN&MT làm tổ trưởng để giải quyết các vướng mắc về đất đai. Trong đó, chủ yếu là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số KCN: Nhựt Chánh, An Nhựt Tân, Xuyên Á, Tân Kim mở rộng,...
Ngoài ra, năm 2016, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân, tập trung thực hiện hậu kiểm nhằm theo dõi, đôn đốc các dự án chậm triển khai để bảo đảm tiến độ cam kết. Qua đó, ghi nhận những vướng mắc, hỗ trợ DN giải quyết các tồn tại, khó khăn thuộc thẩm quyền. Công tác đối thoại với DN cũng được ban phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện. Qua đó, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để phối hợp các sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư hạ tầng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thu hút đầu tư hiệu quả.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng
Ngoài tạo môi trường thông thoáng về các thủ tục, tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng về giao thông thông qua làm mới, duy tu nhiều tuyến đường trong tỉnh, trong đó, ưu tiên các tuyến kết nối với các khu, cụm công nghiệp: Tuyến Đường tỉnh 830, 824, Bến Lức - Tân Tập,...
Một góc KCN Thịnh Phát, Bến Lức
Cùng với đầu tư hạ tầng giao thông, nguồn cung cấp điện cũng được tỉnh quan tâm. Theo Giám đốc Công ty Điện lực Long An - Đoàn Tấn Năng: Để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, nhất là khách hàng sản xuất công nghiệp, Công ty Điện lực Long An liên tục xây dựng, thực hiện chương trình, giải pháp nhằm cải tiến quy trình cung cấp và kinh doanh dịch vụ khách hàng. Các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ khách hàng, chỉ số tiếp cận điện năng, chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện,... luôn là mối quan tâm hàng đầu.
Năm 2017, ngành điện tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư các công trình trạm 110kV và đường dây đấu nối, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 363 tỉ đồng, gồm trạm: 110kV Cần Giuộc 63MVA, 110kV Thủ Thừa 63MVA, 110kV Đức Hòa 3 (2 x 63MVA), 110kV Nam Tân Tập, lắp máy T2 40MVA trạm 110kV Thạnh Hóa. Bên cạnh đó, công ty dự kiến thực hiện đầu tư các dự án công trình lưới điện, tăng cường khả năng cấp điện trên địa bàn tỉnh bằng các nguồn vốn vay nước ngoài. Đó là các dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung, hạ thế khu vực trung tâm thị xã Kiến Tường, TP.Tân An thuộc dự án cải tạo lưới điện phân phối tại các thành phố vừa và nhỏ vay vốn kfw (kfw3) thuộc các địa bàn: Bến Lức, Tân An, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa,... Dự án cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế khu vực nông thôn tỉnh Long An thuộc Dự án tín dụng ngành điện lần 3 vay vốn JICA; Dự án đầu tư lưới điện thuộc chương trình DPL4 (N-1).
Thu hút đầu tư tăng
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 167 DN thành lập mới với tổng số vốn 1.499 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 3% về số lượng DN mới thành lập nhưng giảm 18% về vốn đăng ký. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 8.500 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 193.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, 2 tháng đầu năm 2017, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án với số vốn đăng ký 1.212 tỉ đồng, tăng 8 dự án và 790 tỉ đồng về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Đến nay, toàn tỉnh có 1.324 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 145.830 tỉ đồng. Trên lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đến nay, toàn tỉnh có 816 dự án với tổng vốn đăng ký 5.290 triệu USD, trong đó, 511 dự án đi vào hoạt động, chiếm 62,6% tổng số dự án đăng ký với tổng vốn thực hiện khoảng 3.132 triệu USD, đạt 59% tổng vốn đăng ký.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được, năm 2016, Long An tạo được nhiều “dấu son” đối với nhà đầu tư, DN đến từ nước ngoài thông qua việc tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016 và ra đời Trung tâm Phục vụ hành chính công. Từ những “dấu son” này, có nhiều DN và hiệp hội từ nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Long An. Điển hình, có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng vốn sau thời gian hoạt động tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 02-2017, tại các KCN thu hút đầu tư được 13 dự án, trong đó có 9 dự án FDI, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 25,57% (tăng 2 dự án) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 19 triệu USD (trong đó, vốn cấp mới gần 19 triệu USD và 2 dự án FDI điều chỉnh với tổng vốn điều chỉnh tăng 0,64 triệu USD).
Cũng theo ông Nguyễn Văn Được, nhằm tiếp tục tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh; quyết liệt triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 06-02-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó, tập trung kiểm tra, đôn đốc thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 gắn với thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh./.
2 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 167 doanh nghiệp thành lập mới; 17 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 1.212 tỉ đồng được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút 9 dự án FDI đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 19 triệu USD. |
Gia Hân