Hướng dẫn tiêu dùng an toàn
Tiêu dùng an toàn không chỉ là quyền của NTD mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, là tiêu chí để đánh giá sự phát triển của nền kinh tế và sự văn minh của xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều NTD chưa nhận thức đầy đủ quyền được an toàn, chưa hiểu rõ các rủi ro có thể phát sinh cũng như chưa biết rõ cách thức để xử lý các nguy cơ mất an toàn đối với bản thân trong quá trình tiêu dùng.
Với sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và NTD, công tác bảo vệ quyền lợi NTD của tỉnh Long An từng bước vượt qua khó khăn, thách thức. Qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NTD; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp.
Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về các quyền lợi của mình trong giao dịch, mua bán
Hưởng ứng chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” của Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, Bộ Công Thương phát hành Bộ tài liệu “Hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”. Bộ tài liệu với nội dung trọng tâm là Thông điệp 3A: An toàn lựa chọn; An toàn thanh toán; An toàn sử dụng.
Khi có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ, NTD có thể liên hệ số điện thoại: 18006838 - Tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD trên toàn quốc.
|
Hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2022, UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động nhằm kêu gọi, khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và NTD trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời, tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong sự phát triển KT - XH, cùng hướng đến xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh. Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết: “Các hoạt động vì quyền lợi NTD được khuyến khích tổ chức và thực hiện suốt năm 2022, trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như các ngày lễ, tết và các dịp mua sắm cao điểm trong năm. Riêng các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam được tập trung tổ chức trong tháng 3 (tháng cao điểm) và kéo dài đến hết tháng 5/2022”.
Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin di động triển khai nhắn tin tuyên truyền qua số thuê bao di động về các quy định về bảo vệ quyền lợi NTD, chủ đề và các khẩu hiệu tuyên truyền do Bộ Công Thương phát động đến các số thuê bao di động trên địa bàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Trước đây, tôi chưa biết nhiều thông tin về quyền lợi của NTD. Vừa qua, tôi nhận được tin nhắn tuyên truyền về Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Qua đây, tôi được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng trong thời kỳ “bình thường mới” thông qua việc truy cập và tham khảo tài liệu theo hướng dẫn”.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền NTD, lấy NTD làm thước đo cho sự phát triển thị trường. Tại Co.opmart Tân An, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết luôn được chú trọng thực hiện. Siêu thị cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến mại, tri ân khách hàng.
Các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng như chất lượng hàng hóa
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19, thói quen mua sắm, sử dụng dịch vụ của NTD có nhiều thay đổi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đi kèm. Nhiều NTD biết được các quyền của mình trong giao dịch, mua bán, chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, cũng còn một thực tế đó là nhận thức của NTD về quyền và trách nhiệm của mình trong tiêu dùng chưa cao; e ngại kiến nghị, phản ánh những vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi của NTD tới các cơ quan quản lý nhà nước.
Vì vậy, bảo vệ quyền lợi NTD trong điều kiện “bình thường mới” là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng. Hiện bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, đo lường, giá cả, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng,... các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, xâm phạm quyền lợi NTD.
Việc công khai niêm yết giá sản phẩm và bán đúng giá niêm yết giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn
Là đơn vị chuyên cung cấp các loại nông sản, rau, củ, quả nên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường. Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Để bảo đảm quyền lợi, sức khỏe NTD trong quá trình sản xuất, các thành viên được hỗ trợ phân bón hữu cơ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc có được những sản phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGAP. Chính vì thế, thời gian qua, các sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng tin tưởng bởi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm và nhiều siêu thị ký hợp đồng thu mua”.
Việc bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, mỗi NTD cần có kiến thức pháp luật, ý thức tự bảo vệ quyền lợi, nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh, xây dựng và phát triển các thói quen, kỹ năng tiêu dùng phù hợp với tình trạng “bình thường mới”./.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011), NTD có những quyền cơ bản sau: Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.
Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
|
Huỳnh Hương