Tiếng Việt | English

04/12/2024 - 09:31

Tiêu dùng bền vững trong thời đại số

Trong kỷ nguyên số, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) và các nền tảng mua sắm trực tuyến, thói quen tiêu dùng của con người đã có sự thay đổi. Với sự tiện lợi và đa dạng của các nền tảng, việc tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ trực tuyến trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích là sự tác động không nhỏ đến môi trường và xã hội. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tận hưởng những tiện ích của thời đại số mà vẫn bảo đảm tiêu dùng một cách bền vững?

Không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT mang đến nhiều tiện ích, giúp người tiêu dùng (NTD) dễ dàng tiếp cận sản phẩm với giá ưu đãi; có thể so sánh giá bán, chất lượng hàng hóa của các đơn vị cung ứng.

Nhưng cũng chính từ đây, NTD dễ sa vào “ma trận” khuyến mãi dẫn đến mua hàng mất kiểm soát. Các quảng cáo, khuyến mãi hấp dẫn và sự dễ dàng trong thanh toán trực tuyến khiến NTD mua sắm một cách bốc đồng dẫn đến lãng phí, ảnh hưởng cuộc sống, tài chính.

Từ khi xuất hiện các nền tảng TMĐT, nhiều người chi tiêu “mạnh tay” hơn, trong đó có những món hàng chưa thật sự cần thiết.

Theo báo cáo của Công ty dữ liệu TMĐT Metric (1 trong 2 đơn vị cung cấp dữ liệu TMĐT hàng đầu tại Việt Nam), tổng doanh thu 5 sàn TMĐT: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo trong nửa năm 2024 đạt 143.900 tỉ đồng, tăng 54,91% so cùng kỳ năm 2023. Tốc độ này cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm.

Như vậy, trung bình mỗi ngày, NTD Việt Nam chi tiêu xấp xỉ 800 tỉ đồng để mua sắm trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop. Con số thống kê này chưa tính toán đầy đủ các kênh bán hàng khác như Facebook, YouTube,…

Rõ ràng, việc tiêu dùng qua các nền tảng TMĐT ngày càng tăng. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho tiêu dùng bền vững khi vấn nạn hàng gian, hàng giả, kém chất lượng còn trà trộn và chào bán trên các sàn thương mại. Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ mua bán hàng gian, hàng giả qua mạng, tuy nhiên con số được phát hiện, xử lý ít hơn nhiều so với thực tế.

Một vấn đề khác cần quan tâm là rác thải từ bao bì sản phẩm, vận chuyển hàng hóa do tiêu dùng trực tuyến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Thử nghĩ, một ngày với số lượng hàng hóa xấp xỉ 800 tỉ đồng mà người Việt Nam mua sắm qua các sàn TMĐT thì lượng rác thải thải ra môi trường sẽ là bao nhiêu? Nếu mua hàng trực tiếp, hàng hóa thường được bỏ vào túi nylon, còn khi mua trực tuyến, hàng hóa được đóng gói nhiều lớp để bảo quản trong quá trình vận chuyển nên cần rất nhiều hộp carton, túi nylon, hộp xốp chống va đập.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, bán lẻ hàng hóa trực tuyến sử dụng 1,84 tỉ gói hàng hóa, khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306.000 tấn. Trong đó, hộp carton và túi nylon là loại bao bì phổ biến được sử dụng đóng gói đơn hàng.

Đặc biệt, ngành thời trang, phụ kiện và đồ ăn nhanh có đến 90% số người bán hàng sử dụng túi nylon, hộp, vật liệu nhựa sử dụng một lần để đóng gói và hầu hết đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa,...

Các chất thải này sẽ tác động đáng kể đến môi trường. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm, dự kiến đến năm 2030, quy mô TMĐT tại Việt Nam sẽ gấp hơn 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ TMĐT sẽ lên tới 800.000 tấn.

Để trở thành NTD thông minh trong kỷ nguyên số, NTD cần lập kế hoạch chi tiêu, chỉ mua các sản phẩm theo nhu cầu thực tế, tránh tình trạng lãng phí, “nghiện” mua sắm, trong đó ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, được sản xuất theo quy trình bền vững và có thể tái chế. Hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, nhất là sản phẩm OCOP để thúc đẩy kinh tế địa phương và giảm thiểu vận chuyển. Nói không với hàng giả, hàng nhái bởi mua hàng giả không chỉ gây thiệt hại cho NTD mà còn ảnh hưởng đến môi trường và nền kinh tế.

Mỗi cá nhân đều có thể góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn bằng những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa. Tiêu dùng bền vững trong thời đại số là trách nhiệm của mỗi người./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết