Ảnh minh họa
Thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác. Ví dụ như yakult là sữa uống lên men có chứa probiotic vi khuẩn Lactobacillus casei tốt cho hệ tiêu hóa.
Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng (Foods fortified with micronutrients) là thực phẩm được bổ sung vitamin, chất khoáng, chất vi lượng nhằm phòng ngừa, khắc phục sự thiếu hụt các chất đó đối với sức khỏe cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng. Ví dụ như muối Iode là muối ăn NaCl được bổ sung vi chất Iode giúp điều hòa hoạt động của hormon tuyến giáp giúp phát triển não bộ và hệ thống thần kinh trung ương ở bào thai, trẻ sơ sinh, trẻ em, giảm số lượng bệnh nhân bướu cổ.
Thực phẩm chức năng (Functional foods)
Theo Luật An Toàn Thực Phẩm, “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh”.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement) là thực phẩm được thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người và giảm nguy cơ mắc bệnh, được trình bày ở dạng chế biến như viên nén, viên nang, viên hoàn, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và được phân liều (để sử dụng). Thành phần chứa vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic,… hoặc các chất có nguồn gốc tự nhiên như động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.
Thực phẩm dùng cho chế độ ăn kiêng đặc biệt (Food for special dietery use) là thực phẩm được chế biến theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng chế độ ăn đặc thù theo thể trạng và tình trạng bệnh lý cụ thể của người sử dụng (như bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ,…). Việc xây dựng chế độ ăn kiêng này thuộc thẩm quyền của bác sĩ dinh dưỡng.
Thực phẩm dinh dưỡng y học (Medical Food) còn gọi là Thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (Food for Special Medical Purposes) là thực phẩm ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được bác sĩ chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Lượng dinh dưỡng khuyến nghị (Recommended Nutrition Intakes) RNI là lượng dùng khuyến cáo hàng ngày cho người Việt Nam do Viện dinh dưỡng quốc gia – Bộ Y tế công bố.
Kể từ ngày 01/7/2019 thực phẩm chức năng phải được sản xuất trong nhà máy đạt chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices) và chỉ lưu thông phân phối khi được Cục An Toàn Thực Phẩm cấp số đăng ký. Trên sản phẩm ghi rõ SĐK: Số được cấp/Năm cấp/ATTP - XNCB. Trong đó, ATTP là An Toàn Thực Phẩm. XNCB là Xác Nhận Công Bố. Nhà sản xuất phải công bố đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định pháp luật, phải ghi rõ trên nhãn dòng chữ “ Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Đối tượng sử dụng thực phẩm chức năng là người tiêu dùng bao gồm cả người bệnh và người khỏe. Công dụng của thực phẩm chức năng dựa trên giá trị tiềm năng từ suy luận. Tuy nhiên, cũng có các nghiên cứu thống kê kết quả đáp ứng sử dụng một sản phẩm trên một nhóm người dựa trên các thang điểm về sự hài lòng, sự theo dõi tính kích ứng, các chỉ số sức khỏe đo được trước và sau khi sử dụng làm sáng tỏ công dụng của thực phẩm chức năng. Với người bệnh mãn tính đang uống thuốc theo đơn bác sĩ mà có dùng thêm thực phẩm chức năng thì cần sự hướng dẫn chi tiết của dược sĩ để tránh trùng lắp hoạt chất đưa đến dư liều, tránh tương tác giữa các hoạt chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thuốc (Medicine)
Theo Luật Dược, “Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm”. Thuốc phải được sản xuất trong nhà máy đạt GMP và chỉ lưu hành, phân phối khi được Cục Quản Lý Dược cấp số đăng ký. Trên nhãn thuốc phải ghi số đăng ký SĐK: VN (hoặc VD, VS, GC)/ Số được cấp/ Năm cấp. Trong đó, VN (Visa Number) là thuốc ngoại nhập. VD, VS, GC là thuốc sản xuất trong nước. Thuốc có nhiều dạng bào chế như dung dịch tiêm, tiêm truyền, viên (uống, ngậm dưới lưỡi, đặt hậu môn, đặt âm đạo) và dung dịch uống, bột, thuốc bôi, thuốc dán. Trong mỗi hộp thuốc đều có tờ Hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt ghi rõ công dụng, liều dùng, chỉ định, chống chỉ định. Nhà sản xuất chịu trách nhiệm về nội dung in trên nhãn. Thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn bác sĩ và không được quảng cáo dưới mọi hình thức.
Ảnh minh họa
Về mặt cơ chế tác động: Thuốc tham gia vào hoạt động chuyển hóa của cơ thể, làm thay đổi cấu trúc sinh lý hoặc bệnh lý, sửa chữa tổn thương. Thuốc làm mất đi triệu chứng bệnh, giúp phục hồi cơ thể, đưa các chỉ số sức khỏe của người bệnh trở về trạng thái bình thường. Công dụng của thuốc phải được kiểm chứng bằng y học chứng cứ. Thuốc là sản phẩm của nghiên cứu y học để điều trị và phòng bệnh, được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể.
Đối tượng sử dụng thuốc là bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong việc sử dụng các liệu pháp điều trị, việc dùng thuốc kể cả các thực phẩm dinh dưỡng y học.
Trong các cơ sở y tế như Bệnh viện da liễu, Viện y học cổ truyền được Sở y tế cho phép bằng văn bản (sau khi đã thẩm định điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, môi trường) thì được phép sản xuất thuốc bôi, thuốc chiết xuất từ dược liệu để phục vụ cho bệnh nhân nội trú của bệnh viện mình. Trên nhãn thành phẩm ghi rõ TCCS Tiêu Chuẩn Cơ Sở./.
DSCK2. Lý Thị Nhất Định