Trải nghiệm 4G của VinaPhone ở Phú Quốc. (Ảnh: Vietnam+)
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình phát triển băng rộng quốc gia tới 2020 là sẽ phủ sóng 3G/4G tới 95% dân số.
4G sẽ phát triển mạnh vào năm 2017
Sáng 1/4, Hội thảo chuyên đề LTE 4G Việt Nam-Hàn Quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Khoa học, ICT và Hoạch định tương lai Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, Chương trình phát triển băng rộng Quốc gia đến 2020 nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng hạ tầng băng rộng di động 3G/4G phủ sóng 95% dân số.
Theo ông Tâm, thực hiện Chương trình nói trên, việc khẩn trương triển khai công nghệ di động băng rộng tiên tiến nhất như LTE-A đang dành được sự quan tâm của giới doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Thực tế cho thấy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm 4G LTE từ 2010. Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và các điều kiện khác, cuối 2015, Việt Nam đã hướng dẫn, cấp phép triển khai thử nghiệm công nghệ LTE/LTE-Adv cho một số nhà mạng. Đã có Viettel, VinaPhone đang tiến hành thử nghiệm dịch vụ tại một số địa phương.
Ông Tâm cho hay, trong năm 2016, trên cơ sở kết quả thử nghiệm, các doanh nghiệp sẽ hoàn chỉnh phương án đầu tư-kinh doanh mạng 4G. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn chỉnh các chính sách quản lý, đảm bảo tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững trên thị trường di động băng rộng.
“Tôi tin tằng năm 2016 là năm khởi đầu tốt đẹp cho LTE và năm 2017 là thời điểm phát triển mạnh mẽ,” ông Tâm nói.
Trong khi đó, ông Dong Soo Park, Tổng Giám đốc phụ trách Marketing và Sales toàn cầu của Samsung Networks cho hay, tính đến cuối năm 2015, có tổng cộng 480 mạng LTE đang được triển khai thương mại tại 157 quốc gia với hơn một tỷ người dùng.
Tại châu Á, LTE đang là công nghệ được nhắc đến nhiều nhất. Không chỉ ở Hàn Quốc mà tại Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipines, Thái Lan và các quốc gia khác cũng đang cung các dịch vụ thương mại LTE.
Xây dựng 4G tách biệt với 3G
Nhận định về Việt Nam, lãnh đạo của Samsung Networks cho hay, đây là một thị trường rất tiềm năng. Các nhà mạng viễn thông cũng đã có rất nhiều kinh nghiệm tích lũy từ việc vận hành thương mại và các công tác chuẩn bị chạy thử nghiệm 4G LTE.
Các chuyên gia Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm 4G LTE với Việt Nam. (Ảnh: BTC)
Đưa ra lời khuyên các nhà mạng cho Việt Nam, ông Dong Soo Park yếu tố quan trọng nhất là xây dựng hệ thống mạng LTE tốc độ cao để nắm bắt kịp sự phát triển của công nghệ như LTE-Advanced Pro nhằm cung cấp đường truyền liên tục, các cuộc gọi chất lượng cao và tốc độ dữ liệu di động nhanh cho người dùng cuối.
“Chúng tôi khuyến khích xây dựng mạng LTE overlay (LTE lớp), tách biệt hoàn toàn với các mạng 2G/3G giúp quá trình triển khai nhanh chóng và thuận tiện hơn,” ông Dong Soo Park kiến nghị.
Trước câu hỏi thách thức của Việt Nam khi triển khai 4G, đại diện Samsung cho biết một trong những vấn đề là làm thế nào để đáp ứng được sự phát triển bùng nổ của lưu lượng dữ liệu di động trong mạng LTE.
Tại Hàn Quốc, vào thời điểm năm 2009, khoảng 75% tổng lưu lượng mạng di động đến từ các cuộc gọi. Đến 2014 (chỉ 3 năm sau khi 4G LTE) được triển khai), lưu lượng dữ liệu di động đã chiếm 99% tổng lưu lượng toàn hệ thống mạng mà nguyên nhân chính đến từ các dịch vụ video mới và tiên tiến.
Tính tới cuối 2015, trung bình một người dùng 4G LTE sử dụng 4,3 Gigabytes (GB) mỗi tháng trong khi người dùng 3G chỉ sử dụng 0,7 GB. Do đó, đại diện Samsung cho rằng các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam cùng các nhà mạng sẽ phải cân nhắc về vấn đề này.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã chia sẻ về tầm nhìn phát triển công nghệ 4G LTE, chính sách, cách thức triển khai, nhu cầu thị trường, xác định thách thức và xu hướng phát triển dịch vụ nội dung số trên nền tảng 4G. Hai bên cũng thảo luận cởi mở về những phương án đảm bảo sự sẵn sàng khi triển khai mạng 4G LTE tại Việt Nam./.
Trung Hiền-Hồng Thơ/Vietnam+