Tiếng Việt | English

25/02/2021 - 15:43

Tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền: Bước mới nhất trong chính sách “Nước Mỹ trở lại”

Việc Mỹ tranh cử một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là động thái mới nhất về sự xoay trục của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với chủ nghĩa đa phương và dần loại trừ cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump.

Phát biểu trực tuyến gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh nước Mỹ sẽ tìm cách để trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tới, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của tất cả các thành viên trong nỗ lực trở lại tổ chức này.


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên Chính phủ của Tổng thống Biden đã trở lại Tổ chức đầu tháng này với vai trò quan sát viên. Chính quyền Mỹ trước đây cáo buộc Hội đồng nhân quyền có lập trường không công bằng với Israel và cần một số cải cách.

Nhấn mạnh những ưu tiên của Mỹ khi trở lại Hội đồng Nhân quyền, ông Blinken cho biết: “Thực tế Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc là một thể chế chưa hoàn hảo. Khi quay trở lại, Mỹ sẽ kêu gọi Hội đồng xem xét cách thức hoạt động của mình, bao gồm giải quyết sự không công bằng nhằm vào Israel. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung vào việc đảm bảo tư cách của các thành viên Hội đồng, phản ánh các tiêu chuẩn trong việc duy trì quyền con người”..

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh các tuyên bố này, bày tỏ hi vọng sẽ tiếp tục được lắng nghe những tiếng nói quan trọng của Mỹ trong những vấn đề khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Các cuộc bầu cử thành viên định kỳ 3 năm một lần dự kiến diễn ra trong kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 10 tới.

Tìm kiếm một ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc là bước đi mới nhất nhằm khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục vai trò của mình trong các tổ chức quốc tế lớn, đặc biệt là Liên Hợp Quốc.

Với ưu tiên chính sách nước Mỹ trở lại, Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược quyết định rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới, cam kết thực hiện tốt việc tài trợ bị tạm dừng dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield mới nhậm chức cũng được kỳ vọng sẽ nâng tầm quan hệ mới giữa Mỹ và Liên Hợp Quốc, vốn xấu đi nhiều dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Một tháng kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ghi dấu với nhiều quyết sách, đường hướng và kết quả rõ rệt, từ việc chính thức quay trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris, gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Nga, đến cân nhắc khả năng quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran…. Với những bước đi mạnh mẽ đầu tiên của mình, chính quyền mới tại Mỹ đang nhận được những cái nhìn tích cực từ trong cũng như ngoài nước. Theo khảo sát của Reuters/Ipsos thực hiện vào giữa tháng 2, khoảng 56% người Mỹ được hỏi ủng hộ kết quả làm việc của ông Biden trên cương vị Tổng thống.

Mặc dù vậy, vẫn có những nhận định  đây chỉ là kết quả “ngọt ngào” trong thời kỳ trăng mật sau nhậm chức của ông Biden. Việc nước Mỹ sẽ thực hiện các cam kết và thể hiện vai trò “dẫn đầu” của mình như thế nào vẫn cần thời gian trả lời. Và câu hỏi khó đặt ra hiện nay là liệu những thay đổi của Tổng thống Joe Biden có phù hợp với chính sách mang chủ trương cải thiện hơn so với chính quyền của Tổng thống Donald Trump hay không. Hơn 1 tháng nắm quyền của Tổng thống Joe Biden chưa khẳng định được bất cứ điều gì và thế giới vẫn đang chờ đợi những quyết sách và hành động cụ thể tiếp theo để mang lại những thay đổi tích cực cho nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết