Tiếng Việt | English

04/04/2023 - 09:17

Tránh rủi ro khi mua hàng online

Trong thời đại công nghệ phát triển, việc mua sắm online (trực tuyến) không còn xa lạ. Không thể phủ nhận đặt hàng online là một hình thức mua sắm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, tuy nhiên, cách thức mua hàng này tiềm ẩn những rủi ro do người mua và người bán không gặp gỡ trực tiếp.

Việc mua sắm trực tuyến thông qua các trang thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội ngày càng phổ biến

Việc mua sắm trực tuyến thông qua các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội ngày càng phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hình thức này không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, có nhiều sự lựa chọn mà còn giúp các nhà sản xuất, nhà phân phối hàng hóa phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sự ra đời của hàng loạt website thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,... trong thời gian qua làm cho thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn. Người tiêu dùng, nhất là giới trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok,... ngày càng nhiều. Từ đó, hình thành xu hướng tiêu dùng mới là mua bán hàng qua kênh trực tuyến. Chị Nguyễn Ngọc Liên (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chia sẻ: “Thay vì mua sắm theo hình thức truyền thống là “nhìn tận mắt, sờ tận tay”, tôi dần chuyển sang mua sắm thông qua các kênh thương mại điện tử từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tôi nhận thấy việc mua hàng online khá đơn giản, chỉ cần gõ tên sản phẩm cần mua trên mạng xã hội sẽ tìm thấy rất nhiều thành viên tham gia buôn bán. Một mặt hàng có nhiều người bán nên tôi có thể thoải mái lựa chọn về giá cả”.

Đặt hàng online là một hình thức mua sắm tiện lợi, tiết kiệm thời gian

Tuy nhiên, ngoài sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, việc mua sắm online tiềm ẩn những rủi ro bởi khi mua bán, trao đổi, người mua và người bán không thể gặp gỡ trực tiếp. Là người kinh doanh các mặt hàng thực phẩm online, chị Bích Trâm (phường 3, TP.Tân An) luôn đối diện với nỗi lo người mua đặt hàng, “chốt đơn” nhưng đến khi giao thì không nhận, không trả tiền. Tình trạng trên hiện nay khá phổ biến, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, công sức cho người bán hàng cũng như đơn vị vận chuyển, người giao hàng.

Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo bằng những chiêu trò, thủ đoạn hết sức tinh vi. Cách đây mấy tuần, khi vào mạng xã hội Facebook, thấy quảng cáo sản phẩm giày da là “hàng xịn”, nhập khẩu từ nước ngoài, anh Thành Đạt (phường 5, TP.Tân An) liền chuyển khoản tiền để đặt mua. Thế nhưng, khi sử dụng, anh Thành Đạt mới biết mình mua phải hàng nhái, không giống như quảng cáo.

Bên cạnh đó là những rủi ro như sản phẩm hư hỏng do quá trình vận chuyển; một số người bán mập mờ về chính sách bảo hành và đổi trả, khi gặp trục trặc về sản phẩm thì khách hàng không thể liên hệ được; rò rỉ thông tin cá nhân khi mua hàng qua mạng ở những trang web không uy tín;...

Mua sắm trực tuyến được xem là "mảnh đất màu mỡ" và giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác cũng như hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Để hạn chế rủi ro khi mua hàng online, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Khi nhận hàng cần đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng đặt mua nhằm hạn chế tình trạng nhận hàng không đúng với sản phẩm đặt mua. Dù mua sắm ở hình thức nào, trực tuyến hay truyền thống, hãy là người tiêu dùng thông thái để bảo vệ quyền lợi của mình./.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết