Tiếng Việt | English

31/10/2015 - 19:57

Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh dạ dày

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng: Tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày đang gia tăng. Vì thế, chúng ta không nên tạo áp lực cho trẻ ăn và học.

Ít người nghĩ rằng bệnh dạ dày là bệnh thường gặp khi sang mùa thu. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy vào mùa thu những người có vấn đề bệnh dạ dày sẽ tăng nguy cơ.

Tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày ngày càng trẻ hoá

Nguyên nhân do sự kích thích của không khí lạnh, lượng hitamin trong máu tăng lên, dịch chua trong dạ dày bài tiết nhiều, đường tiêu hoá bị co bóp mạnh, làm giảm sức đề kháng và tính thích ứng với khí hậu của cơ thể. Với trẻ nhỏ, đang từ giai đoạn nghỉ hè, chỉ vui chơi, vào năm học áp lực học hành là stress khiến tỷ lệ trẻ em mắc bệnh dạ dày cũng tăng hơn.

Mới 6 tuổi nhưng bé, Phan Thanh V, Thái Hà, Đống Đa đã bị viêm loét dạ dày. Chị Đỗ Thu N cho biết: “Thấy con hay kêu đau bụng, kèm theo nôn và hay đau bụng về đêm nên tôi cho cháu đi khám ở Viện Nhi. Sau thăm khám, bác sĩ chỉ định soi dạ dày và phát hiện cháu bị viêm loét dạ dày phải uống 3 loại thuốc kết hợp. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì không nghĩ rằng một đứa trẻ mới 6 tuổi chưa phải lo nghĩ gì mà lại có thể mắc bệnh dạ dày”.

Cùng nỗi niềm với chị Thu N, anh Lê Trung, Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: con trai tôi 12 tuổi, cháu phát hiện bị viêm dạ dày từ 2 năm nay. Đã vài lần, cháu phải đi viện cấp cứu vì nôn và đau bụng dữ dội.

Bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đang khám bệnh cho trẻ

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày đang gia tăng và ngày càng trẻ hoá. Khoa Nhi chúng tôi đã tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi vào cấp cứu vì viêm loét dạ dày, tá tràng gây chảy máu đường tiêu hoá. Bàn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em mắc bệnh dạ dày ngày càng tăng.

PGS Dũng nhận định: Trẻ em thời hiện đại có nguy cơ bị stress mà thời xưa không có. Hai căn nguyên cơ bản nhất là: Ép ăn và ép học. Nguyên nhân thứ nhất gây nên bệnh đau dạ dày ở trẻ chủ yếu là do ăn uống. Các bậc phụ khuynh luôn ép con cái của họ ăn thật nhiều để nhanh lớn, nhưng nếu cho trẻ ăn quá no trẻ rất dễ ói, điều đó làm cho dạ dày không thể tiêu hóa kịp, cũng có thể dẫn đến tình trạng đau dạ dày ở trẻ.

Nguyên nhân thứ hai là do trẻ học hành quá tải, lo lắng quá nhiều dẫn đến bị stress. Ngoài ra, loét dạ dày ở trẻ cũng có thể do thuốc, gây tổn thương ở dạ dày nhiều hơn.

Dấu hiệu của bệnh dạ dày ở trẻ nhỏ:

Đau bụng: Đây là triệu chứng hay gặp nhất ở trẻ. Đau bụng ở trẻ cũng thường không giống người lớn. Ở trẻ lớn, đau bụng vùng thượng vị thường giống như người lớn, đau lâm râm, âm ỉ, đôi khi có cảm giác bỏng rát ở thượng vị (trên rốn). Một số ít có cả cơn đau về đêm. Mỗi cơn đau có thể kéo dài vài chục phút đến hàng giờ. Mỗi đợt đau có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng.

– Nôn: Nôn và buồn nôn hoặc chán ăn là những triệu chứng rất ít gặp ở trẻ lớn nhưng ở trẻ nhỏ có thể gặp nôn tái đi tái lại, kèm theo chậm lớn, mệt mỏi, xanh xao và có thể xuất huyết tiêu hóa.

– Thiếu máu: Nguyên nhân thường do xuất huyết đường tiêu hóa kéo dài nhiều ngày hoặc xuất huyết ồ ạt do vết loét ăn mòn vào trong niêm mạc và dưới niêm mạc. Điều này làm tổn thương mạch máu dẫn tới thiếu máu cấp tính và nặng. Đây cũng có thể là những lý do đầu tiên khiến trẻ nhập viện.

Cách phòng tránh

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyên các phụ huynh không nên tạo áp lực cho trẻ trong việc ăn và học. Cụ thể là không được ép trẻ em và không cho trẻ học thêm quá nhiều. Nên dành nhiều thời gian hơn để trẻ được vui chơi ở ngoài trời hơn là chỉ học tập và vui chơi trong nhà./.

CTV Đỗ Đậu/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết