Thông tin này được chia sẻ tại ngày "Lớp học Phần Lan” diễn ra vào ngày 28/10 tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trường phổ thông quốc tế Việt Nam – Phần Lan sẽ tuyển sinh vào tháng 6/2019 từ lớp 1 đến 12. Tuy nhiên, năm đầu tiên mới chỉ tuyển sinh từ lớp 1 đến lớp 9 với hai chương trình gồm chương trình quốc tế 100% tiếng Anh và chương trình 50% tiếng Anh.
Cụ thể, mức học phí dự kiến đối với chương trình quốc tế 100% tiếng Anh do giáo viên Phần Lan giảng dạy ở bậc tiểu học (lớp 1 đến lớp 5) ước tính khoảng 310-340 triệu/năm; Mức học phí ở bậc THCS (lớp 6 đến lớp 9) dự kiến từ 345 - 380 triệu/năm. Học sinh được cấp bằng Tú tài quốc tế khi kết thúc khóa học.
Học sinh tham gia Lớp học Phần Lan tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Đối với chương trình 50% tiếng Anh do giáo viên nước ngoài giảng, bậc tiểu học có mức học phí ước tính từ 150-170 triệu/năm, bậc THCS từ 170-200 triệu/năm, cấp bằng tốt nghiệp THPT Việt Nam.
Nhà trường chỉ áp dụng chính sách miễn giảm học phí với mức 10% cho con em có cha hoặc mẹ làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước. Đối với học sinh có cha hoặc mẹ đang làm việc tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng được miễn giảm từ 11 đến 25% học phí tùy vào thâm niên công tác của phụ huynh.
Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng được thành lập theo quyết định 5834 của UBND TP.HCM vào tháng 11/2016. Tháng 11/2017 trường chính thức khởi công xây dựng do độ ngũ kiến trúc sư Phần Lan trực tiếp thiết kế, giám sát xây dựng và sáng tạo môi trường sư phạm.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM quá trình để thành lập trường cũng rất gian nan, thách thức vì đây là lần đầu tiên ở TP.HCM có mô hình trường quốc tế trong trường công.
Thành phố xem đây là mô hình mới để nhân rộng trong hệ thống trường công của thành phố, nhưng Trường phổ thông quốc tế Việt Nam – Phần Lan phải chứng minh về chương trình, sở vật chất, đội ngũ giáo viên...
Trường phổ thông quốc tế Việt Nam- Phần Lan sẽ tổ chức giảng dạy đồng thời chương trình giáo dục Phần Lan và chương trình giáo dục Việt Nam. Chương trình giáo dục Phần Lan được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do giáo viên Phần Lan phụ trách, và chương trình giáo dục Việt Nam do giáo viên Việt Nam và Phần Lan phụ trách, giảng dạy bằng tiếng Việt. Chương trình giáo dục Việt Nam sẽ được "Phần Lan hóa", tức chương trình Việt Nam nhưng được giảng dạy theo phương pháp của Phần Lan kết hợp tăng cường khả năng tiếng Anh./.
Theo Vietnamnet.vn