Dự thảo Nghị định cơ chế tự chủ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập đưa ra các mức học phí khác nhau tùy từng loại hình tự chủ tài chính.
Theo đó, với loại hình trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, trường có quyền quyết định mức thu học phí theo nguyên tắc bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Năm 2021, dự kiến học phí đại học công lập sẽ tăng (Ảnh:Đinh Quang Tuấn)
Với loại trường tự đảm bảo chi thường xuyên, dự kiến học phí sinh viên phải đóng sẽ tương đương mức học phí các trường đã được Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.
Cụ thể, ở năm học 2020-2021 học phí mỗi tháng sẽ từ 2,05-5,05 triệu đồng/ sinh viên (tùy nhóm ngành đào tạo). Mức học phí này tính theo năm học (10 tháng) sẽ tương đương 20,5-50,5 triệu đồng/ sinh viên.
Xem bảng chi tiết dưới đây:
Theo dự thảo Nghị định, ngành Y dược có mức học phí cao nhất là 5.05 triệu/sinh viên/tháng
Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo ở năm 2020–2021 mỗi tháng từ 980 nghìn đồng – 1,430 triệu đồng/ sinh viên tùy từng nhóm ngành đào tạo.
Xem bảng chi tiết dưới đây:
Như vậy, so với mức học phí dành cho các trường chưa tự chủ tài chính ở cùng thời điểm năm học 2020-2021, học phí trường tự chủ cao gấp 2 đến 3,5 lần. Còn so với học phí trường đại học công lập chưa tự chủ hiện nay 7,4-10,7 triệu đồng/ năm học 2017–2018 thì mức học phí trên sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần.
Các trường chưa tự chủ mức học phí từ 980 nghìn đồng đến 1,43 triệu đồng/ tháng/ sinh viên
Dự kiến học phí cao đẳng, trung cấp tại cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư
Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư
Dự thảo sẽ áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Các đại học vùng thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định này và quy định của Bộ GD-ĐT.
Các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Các Đại học quốc gia, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội và các trường đại học thành lập theo mô hình trường đại học xuất sắc hoạt động theo cơ chế tài chính đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Nghị định này không áp dụng đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hệ thống các trường chính trị thuộc tỉnh ủy, huyện ủy các địa phương./.
Lê Huyền/Vietnamnet.vn