Tiếng Việt | English

13/10/2021 - 10:09

Truyền thông chống dịch Covid-19 giai đoạn 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19'

Trọng tâm là đổi mới tư duy và biện pháp phòng chống dịch, phù hợp với tình hình, Tiểu ban Truyền thông Quốc gia vừa ban hành Kế hoạch truyền thông chống dịch Covid-19 giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”.

Truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 gắn với phục hồi kinh tế - xã hội

Kế hoạch khẳng định, đại dịch Covid-19 không chỉ là thách thức, khó khăn mà còn là cơ hội cho phát triển đất nước. Báo chí, truyền thông cần đầu tư nhiều hơn bài viết, chương trình về các cơ hội do Covid-19 mang lại, nếu không tận dụng được cơ hội này để vươn lên thì mất mát sẽ chỉ là mất mát.

Các cơ quan báo chí, truyền thông cần thống nhất nhận thức và tập trung tuyên truyền để làm sâu sắc hơn trong tình hình mới. Mục đích cuối cùng là đưa cuộc sống trở lại bình thường, trong đó giải pháp y tế là quan trọng, giải pháp hành chính phải bảo đảm đúng luật và gây ảnh hưởng nhỏ nhất có thể đến đời sống, quyền và quyền lợi của các đối tượng chịu tác động.

Nội dung thông tin phản ánh, phân tích, lý giải làm rõ vấn đề áp dụng chính sách phòng, chống dịch khác nhau, sự không thống nhất trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid- 19” giữa các địa phương... để có điều chỉnh cho nhất quán, đồng bộ, logic. Truyền thông thống nhất về việc chỉ lấy cơ sở khoa học để đánh giá việc kiểm soát các nguy cơ dịch tễ (xét nghiệm + tiêm đủ vắc-xin và đủ thời gian + tự khai báo y tế trung thực + áp dụng công nghệ), từ đó đưa ra tiêu chí về an toàn/không an toàn.

Tăng cường bài viết, các chương trình truyền thông cần phân tích sâu cái được, cái chưa được, cái còn chưa rõ, có đánh giá, có nhận định... để ủng hộ các chính sách, biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhưng cũng chỉ rõ, phê phán những biện pháp, cách làm chưa phù hợp, cứng nhắc.

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới thông qua các biện pháp dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình, cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm 5K, không lơ là, chủ quan, tự giác, tích cực cùng cộng đồng và xã hội kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh tại nơi sinh sống.

Kịp thời tuyên truyền các mô hình hay của địa phương, doanh nghiệp trong việc tổ chức hoạt động phục hồi sản xuất kết hợp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nhằm lan tỏa tinh thần lạc quan trong phòng, chống dịch, giúp công nhân, người lao động tin tưởng, yên tâm, quay trở lại gắn bó với sản xuất, với doanh nghiệp.

Các cơ quan báo chí cần chuyển trọng tâm thông tin về các vấn đề trong phòng, chống dịch gắn với phục hồi kinh tế - xã hội theo nhiều góc nhìn tích cực, truyền cảm hứng cho xã hội. Không đưa số liệu mà thiếu phân tích, thiếu kiểm chứng. Không giật tít lệch lạc bản chất về những vấn đề còn chưa có kết quả, kết luận cuối cùng. Kiên quyết đấu tranh việc lợi dụng đưa các thông tin sai lệch, không đúng hoặc cố tình đẩy nóng quá mức những vấn đề đơn lẻ để xuyên tạc, chia rẻ, kích động chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Kế hoạch nêu rõ, hệ thống thông tin cơ sở chú trọng hướng dẫn thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn đối với người dân như: Tham gia hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà, đi lại, học tập, đến trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, đi lại của người dân giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau, tự lấy mẫu xét nghiệm, vệ sinh đều đặng khoang mũi và họng, chăm sóc sức khỏe và điều trị tại nhà, khai báo y tế qua qua ứng dụng phòng chống, dịch thống nhất,...

Thông tin tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn xã, phường, thị trấn trong tình hình mới (những kết quả đạt được, những vấn đề mới phát sinh); các giải pháp cụ thể phòng, chống dịch.... nhu cầu khám chữa bệnh (Covid-19 và các bệnh khác), nhu cầu an sinh (ăn, uống, sinh hoạt thiết yếu khác như: văn hoá, thể thao,...), các hoạt động hỗ trợ, thiện nguyện giúp đỡ những người, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; các tấm gương tự lực, tự cường chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.

Công tác viễn thông cần tổ chức tốt hoạt động các tổng đài hỗ trợ khai báo y tế, tổng đài trả lời phản ánh của người dân, để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ kịp thời người dân cần trợ giúp về các vấn đề về y tế, lịch tiêm vắc-xin, cập nhật thông tin tiêm chủng và chứng nhận tiêm chủng, cài đặt Sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC-Covid, VnEID..., hỗ trợ công tác tập hợp, phân tích, đánh giá tình hình công tác phòng, chống dịch.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối, đảm bảo an toàn an ninh thông tin, dữ liệu cá nhân công dân. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới, tập trung vào hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn trong vùng dịch vì cách ly và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trở lại tại các địa phương nới lỏng giãn cách./.

Hùng Cường

Chia sẻ bài viết