Tự hào về người con ưu tú của quê hương
Kể từ nay, xã nông thôn mới Phước Lý, huyện Cần Giuộc có một ngôi trường thân yêu mang tên Nguyễn Văn Chính. Sự kiện này mở ra những trang mới cho ngành Giáo dục địa phương, là niềm tự hào của thầy và trò Trường THCS Nguyễn Văn Chính và cả Đảng bộ, người dân địa phương khi vinh dự có ngôi trường mang tên người chiến sĩ cách mạng kiên trung, trí tuệ, tư duy đột phá và bản lĩnh. Trong câu chuyện đầu năm học mới, Đảng bộ, chính quyền, thầy cô giáo và cha mẹ sẽ tự hào giới thiệu với các em học sinh về nhà hoạt động cách mạng - bác Chín Cần...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang dự lễ đặt tên Trường THCS Nguyễn Văn Chính và khai giảng năm học mới 2017-2018
Bác Chín Cần sinh ngày 01/3/1924, tại làng Tân Quý, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Bác Chín tham gia cách mạng vào tháng 02/1945, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Bác Chín từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Trung ương và tỉnh: Nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Long An nhiều khóa, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho; nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước; Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;...
Bác Chín Cần đi xa để lại sự cảm phục, tiếc thương cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong sổ tang của bác Chín, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Với 70 năm tuổi Đảng, đồng chí Chín Cần dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Được giao giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của đất nước, trong kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Chín Cần luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao.
Đặc biệt, trong những năm 80 của thế kỷ trước, vào thời điểm khó khăn của nền kinh tế đất nước, với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Long An, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí luôn có tư duy đổi mới, mạnh dạn đề xuất thí điểm thực hiện cải tiến phân phối lưu thông, thực hiện cơ chế một giá, bù giá vào lương, xóa bao cấp, góp phần khởi đầu cho sự nghiệp đổi mới đất nước”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình ghi vào sổ tang: “Đồng chí Chín Cần là một cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng chí đã trọn đời cống hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ và tài năng của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc nhân dân. Đồng chí được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của đất nước.
Đồng chí luôn kiên định lý tưởng, nêu cao tấm gương đạo đức cách mạng; là người tiên phong thực hiện cải tiến phân phối, lưu thông, xóa bỏ cơ chế hai giá trong giai đoạn khởi đầu đổi mới đất nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Với công lao và đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác...”.
Là thế hệ tiếp nối truyền thống những người đi trước, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh trân trọng ghi vào sổ tang: “Chúng tôi trân trọng những cống hiến của đồng chí. Suốt quá trình lãnh đạo tỉnh Long An trong thời gian kháng chiến, đồng chí đã góp phần quan trọng vào thành tích của tỉnh Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc".
Sau giải phóng, đồng chí là người Bí thư Tỉnh ủy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đưa Long An tiến quân khai thác vùng Đồng Tháp Mười từ vùng hoang hóa thành vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Long An góp phần vào cơ chế mới giá - lương - tiền (trong thời bao cấp). Từ đó, góp phần làm cơ sở cho Trung ương bỏ cơ chế bao cấp. Chúng tôi phấn đấu đưa tỉnh Long An phát triển kinh tế ở tầm cao mới, bền vững”.
Đột phá giá - lương - tiền
Hơn 40 năm trước, trong thời kỳ bao cấp, hàng hóa bị “ngăn sông cấm chợ”. Cơ chế mua bán ấy làm sản xuất tê liệt, hàng hóa khan hiếm, xã hội khủng hoảng, nhiều thứ tiêu cực phát sinh. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đứng đầu là bác Chín Cần, Long An đột phá trong khâu phân phối, lưu thông, thực hiện cơ chế một giá, mua đúng giá, bán đúng giá; cán bộ, nhân viên được bù giá vào lương với mức từ 120-150% mức lương. Từ đó, sản xuất phục hồi, kinh tế phát triển.
Phó Thủ tướng - Trương Hòa Bình, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang trao học bổng và quà tặng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của trường. Ảnh N.T
Long An tự hào là một trong số ít địa phương tiên phong trong việc thực hiện cơ chế một giá, đột phá vào cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Trong đó, vai trò của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh - đồng chí Chín Cần, vô cùng to lớn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dũng cảm đổi mới từ thực tiễn cuộc sống, đưa ra những quyết định táo bạo trong cải tiến khâu phân phối, lưu thông, mũi đột phá là thực hiện cơ chế một giá, tạo cơ sở thực tiễn vững chắc cho những quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) - đại hội của đổi mới.
Dấu ấn người đi khai hoang, mở đất
Không chỉ đi đầu “xé rào” cải tiến phân phối, lưu thông, thực hiện cơ chế một giá, bác Chín Cần còn khởi động đắp Tỉnh lộ 49 (nay là Quốc lộ 62), vạch chủ trương tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười.
Trong ký ức của nhiều người dân Long An trước đây, từ Tân An muốn về vùng Đồng Tháp Mười phải đi bằng đường thủy hoặc đi đường bộ vòng qua Cai Lậy, Tiền Giang, xa hơn gần 80km. Để thực hiện cuộc tiến công khai phá lịch sử ấy, dứt khoát phải mở con đường bộ từ trung tâm tỉnh xuyên qua Đồng Tháp Mười. Phát huy truyền thống trung dũng kiên cường trong kháng chiến, một cuộc ra quân rầm rộ lại diễn ra trên Đồng Tháp Mười.
Hàng trăm ngàn lượt người từ các huyện phía Nam lên Đồng Tháp Mười đắp đường, mở đất. Con lộ 49 xuyên qua bưng biền dần hình thành từ chính sức dân và lòng quyết tâm chinh phục, cải tạo vùng đất mới. Từ vùng đất bưng biên, hoang vu, vùng Đồng Tháp Mười - Long An giờ trở nên trù phú, là vựa lúa lớn của tỉnh và cả nước. Khoảng 400.000ha lúa sản xuất hàng năm, sản lượng 2 triệu tấn, chiếm 2/3 sản lượng lúa của tỉnh có được ngày nay là kết quả từ tầm nhìn chiến lược của bác Chín Cần và những quyết sách thực thi của người đồng chí - Tướng Huỳnh Công Thân.
Ngoài ra, khi nhắc đến bác Chín Cần, nhiều đồng chí, đồng đội, những người làm việc thời ấy nhớ đến một người lãnh đạo, đồng chí, người bác, người chú rất đáng kính, chân tình, giỏi dùng người, quan tâm, gần gũi, lắng nghe và chăm lo đến việc sản xuất và đời sống nhân dân,...
Phó Thủ tướng - Trương Hòa Bình đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THCS Nguyễn Văn Chính. Ảnh N.T
93 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, những gì bác Chín Cần đóng góp cho đất nước, cho quê hương Long An mãi mãi còn lại với các thế hệ sau, cho nhân dân, cho đất nước. Như lời Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đọc trong điếu văn trong lễ truy điệu: “Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao suốt hơn 70 năm qua, đến đây đồng chí hoàn thành. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí!”.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An rất đỗi tự hào trước sự đóng góp của bác Chín Cần trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những phẩm chất cao quý và đóng góp quý báu của bác Chín Cần là niềm tự hào mà thầy và trò Trường THCS Nguyễn Văn Chính cùng mọi cán bộ, đảng viên noi theo, vận dụng trong học tập, làm việc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
"Được học tập tại ngôi trường mang tên vị lãnh đạo xuất sắc Nguyễn Văn Chính, em rất tự hào và vinh dự. Năm học mới, em sẽ chăm chỉ học tập và rèn luyện đạo đức tốt hơn nữa, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ nhằm đáp lại sự kỳ vọng của thầy cô, ba mẹ và đặc biệt là xứng đáng với ngôi trường được mang tên ông Nguyễn Văn Chính" - Em Đỗ Văn Nhi, học sinh lớp 8/1. "Năm học mới, trường được đặt tên của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Chính. Đó là niềm vinh dự rất lớn của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường. Với bước ngoặt mới này, trường quyết tâm hơn trong công tác giảng dạy và học tập nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần đưa giáo dục địa phương, huyện nhà ngày càng đi lên; đồng thời, giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia", Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Chính- Nguyễn Tấn Chánh. "Xã Phước Lý có ngôi trường mang tên đồng chí Nguyễn Văn Chính là niềm vinh dự rất lớn của địa phương. Tên trường cũng góp phần giáo dục thế hệ trẻ đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"; đồng thời, giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở địa phương để các em nghiêm túc học tập, rèn luyện đạo đức xứng đáng với ngôi trường mang tên đồng chí Nguyễn Văn Chính", Bí thư Đảng ủy xã Phước Lý- Nguyễn Văn Muộn./. Đặng Tuấn (ghi) |
Tấn Lộc (tổng hợp)