Cần biết biện pháp phòng ngừa và chăm sóc để gan luôn khỏe mạnh. (Ảnh: Medanta Hospital)
Gan sợ tức giận, thức khuya...
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết gan là cơ quan chuyển hóa và loại bỏ độc tố chủ chốt của cơ thể. Tuy nhiên, theo thời gian và dưới sự tấn công của các yếu tố gây hại như thực phẩm bẩn, thuốc, rượu bia, môi trường ô nhiễm…, gan bị quá tải dẫn đến tổn thương và suy yếu.
Giải độc gan có thể giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể, duy trì sức khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến gan.
Để bảo vệ gan cần tránh:
- Uống rượu bia: Điều tồi tệ nhất đối với gan của chúng ta là rượu, bia hoặc các đồ uống có cồn. Vì rượu là chất độc và được xử lý trong gan, uống quá nhiều có thể khiến gan bị tổn thương, gây ra sẹo hoặc thậm chí là xơ gan.
Mặc dù bệnh xơ gan chủ yếu gặp ở những người nghiện rượu, ngay cả những người uống rượu bia thường xuyên uống bốn loại đồ uống có cồn trở lên cùng một lúc nhưng chỉ một hoặc hai lần một tuần cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan của họ.
- Sợ thức khuya: Thói quen này làm tổn thương huyết trong gan, tăng gánh nặng cho gan, làm cho gan không thể tự phục hồi. Từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng là khung giờ hoạt động tốt nhất của gan, giai đoạn này bạn cần ngủ sâu để gan thực hiện tốt các chức năng của mình.
Nếu bạn thức khuya, vô tình làm cho gan không thể làm tốt chức năng của mình, từ đó mà gây ra bệnh.
- Sợ tức giận: Nóng nảy và thái độ giận dữ có thể dẫn đến gan khí đảo ngược, dẫn đến bốc hỏa, nóng trong gan. Theo y học cổ truyền, "giận dữ thì khí bốc lên" làm hại cho can và thận, thậm chí có thể gây tử vong.
Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh tức giận làm cho thần kinh giao cảm hưng phấn, tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng cao. Những người mắc chứng cao huyết áp, bệnh tim mạch… khi tức giận thường làm cho bệnh trầm trọng thêm, thậm chí có khi dẫn đến tử vong...
- Sợ nấm mốc: Trong nấm mốc chứa nhiều chất độc hại, có khả năng gây nhiễm độc từ aflatoxin, dễ có khả năng gây ra ung thư. Tránh ăn những thực phẩm ẩm mốc, thực phẩm cũ để lâu ngày.
Tập luyện để giúp gan khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu thâm đen trên cơ thể báo hiệu gan kém
Theo bác sĩ Trí, khi gan kém, ngoài việc cơ thể có các triệu chứng như: Mệt mỏi chán ăn; Ngứa, nổi mề đay, mụn nhọt; Nước tiểu sẫm màu; Hơi thở có mùi; Đau hạ sườn phải; Màu phân thay đổi; Nôn mửa dai dẳng; Vàng da, vàng mắt; trướng bụng... thì cũng cần chú ý các vị trí thâm đen trên cơ thể.
- Có giãn tĩnh mạch màu xanh và đen ở bụng: Trong trường hợp bình thường, khi nhìn vào bụng, chúng ta không thể nhìn thấy các tĩnh mạch ở thành bụng, thậm chí có nhìn thấy cũng chỉ thấy lờ mờ.
- Da đen sạm: Nếu bạn nhận thấy da mặt ngày càng đen sạm, rất có thể gan đang có vấn đề. Bệnh về gan gây ra sự chuyển hóa sắc tố da (hay còn gọi là melanin) bất thường.
- Môi xỉn màu và thâm đen: Môi thâm có liên quan đến nhiều loại bệnh, đối với một số người, môi thâm còn là dấu hiệu của bệnh gan. Nếu tình trạng này xuất hiện, đừng bất cẩn mà hãy đến bệnh viện để được kiểm tra càng sớm càng tốt.
- Quầng thâm: Nhiều người thắc mắc rằng tại sao dù ngủ đủ giấc mà vẫn có quầng thâm dưới mắt. Thực tế, gan kém cũng có thể gây ra quầng thâm. Bệnh gan có thể gây rối loạn chuyển hóa melanin, đặc biệt rõ ràng ở vùng quanh mắt, dễ hình thành quầng thâm.
Biện pháp giúp gan khỏe mạnh
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết theo lý luận y học cổ truyền, người bị can bệnh, xà khí lắng đọng ở hai bên mạng sườn lan xuống bụng dưới gây đau tức. Khi giận dữ sẽ tác động đến can mộc, sinh ra rối loạn sinh học trong cơ thể.
Đặc biệt vào mùa xuân hè này, dương khí hình thành, bắt đầu tích hỏa càng ảnh hưởng đến can, sẽ tạo gánh nặng cho tim. Can khí quá vượng gây nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, sinh nóng giận… Can khí hư gây hoa mắt, ù tai, lo sợ.
Vì vậy, để tăng cường công năng cho một lá gan khỏe mạnh hãy thực hiện:
1. Trước hết, nên tránh kích xúc mạnh về tâm lý xã hội mà ảnh hưởng đến gan, giữ tâm thế sống thanh thản, vui tươi, yêu đời.
2. Vì gan tích hỏa, ta nên nhìn màu xanh cho mát gan khỏe thần, ăn chua để nhuận gan.
3. Thường xuyên xoa bóp mắt để vượng gan, sáng mắt.
4. Không đi lại quá nhiều hại gan và tổn thương gan sẽ không kiểm soát được hệ thống cơ xương.
5. Tập thở gan (thở bụng sâu) ý thủ vùng gan sẽ lưu thông khí huyết + kinh lạc tại gan, tăng cường sinh lực cho gan. Khi chức năng được tăng cường sẽ tăng cường chức năng cho tâm và tiểu trường (vì can thuộc mộc sinh tâm hỏa) làm huyết đầy đủ, tiêu hóa dễ dàng, tăng cường sức đề kháng chống các tác nhân gây bệnh./.
Biện pháp phòng ngừa bệnh gan
Bệnh gan có thể được chủ động phòng ngừa ngay từ sớm bằng một số biện pháp hữu ích sau đây:
- Kiểm soát thói quen uống rượu: Tần suất hợp lý là tối đa 1 ly/ngày đối với phụ nữ và 2 ly/ngày đối với nam giới. Thói quen uống hơn 8 ly/tuần đối với phụ nữ và hơn 15 ly/tuần đối với nam giới sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Nếu xăm mình, xỏ khuyên nên chọn nơi uy tín tránh nguy cơ lây bệnh gan.
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch hợp pháp, tuyệt đối không dùng chung kim tiêm.
- Tiêm phòng viêm gan A, viêm gan B… để tránh nguy cơ mắc bệnh.
- Chỉ dùng thuốc khi cần thiết, theo đúng liều lượng được khuyến cao.
- Tránh tiếp xúc với máu hoặc dịch từ cơ thể người khác, vi rút viêm gan có thể lây lan theo những con đường này.
- Rửa tay kỹ trước khi ăn và chuẩn bị thức ăn.
- Đeo khẩu trang, đội mũ, mang áo dài tay, găng tay… khi phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, sơn hoặc các hóa chất độc hại khác và nên tuyệt đối thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
- Xây dựng chế độ ăn tốt cho gan đến từ các nguồn thực phẩm như: rau họ cải, quả mọng, các loại hạt, đậu, cá béo, trà…
|
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/tuc-gian-va-thuc-khuya-lam-hai-gan-ra-sao-20240523073730682.htm