Tiếng Việt | English

04/11/2024 - 18:28

Từng bước nâng cao và chuẩn hóa chất lượng nông sản

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Long An tập trung nâng cao và chuẩn hóa chất lượng các loại nông sản nhằm tăng sức cạnh tranh, cải thiện về giá cả đầu ra. Qua đó, từng bước khẳng định vị thế của nông sản tỉnh nhà.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp với diện tích 125.000ha vào năm 2030

Phối hợp sản xuất lúa chất lượng cao

Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp với diện tích 125.000ha vào năm 2030.

Ngành định hướng xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị và áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; đồng thời, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh, để góp phần hoàn thành những mục tiêu, định hướng đề ra, đầu tháng 9/2024, Sở ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty (Cty) TNHH Faeger (Nhật Bản) về việc hợp tác triển khai, thực hiện thử nghiệm các mô hình xây dựng chứng chỉ các-bon từ sản xuất lúa ứng dụng phương pháp ngập khô xen kẽ (AWD) trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Faeger (Nhật Bản) về việc hợp tác triển khai, thực hiện thử nghiệm các mô hình xây dựng chứng chỉ các-bon từ sản xuất lúa ứng dụng phương pháp ngập khô xen kẽ trên địa bàn tỉnh

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và triển khai chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh các kế hoạch và dự án trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh.

“Cty TNHH Faeger chịu trách nhiệm triển khai, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật thực hiện, theo dõi các mô hình xây dựng tín chỉ các-bon từ sản xuất lúa ứng dụng phương pháp AWD; đồng thời, chịu các chi phí phát sinh khi thử nghiệm mô hình, như chi phí thanh toán cho nông dân tham gia và thuê các dịch vụ liên quan, mua nguyên, vật liệu, trang thiết bị cần thiết cho việc thử nghiệm và cả chi phí bồi thường cho nông dân bị thất thoát lợi nhuận khi thực hiện các thử nghiệm. Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm bảo đảm kết cấu hạ tầng, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp và kết nối nông dân trong vùng cùng thực hiện” - bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin.

Theo kế hoạch, năm 2024, Cty TNHH Faeger phối hợp Sở NN&PTNT triển khai, thực hiện 2 mô hình thí điểm tại Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú (huyện Châu Thành) và 1 hộ nông dân tại xã Vĩnh Trị (huyện Vĩnh Hưng), với diện tích thực hiện mỗi mô hình là 0,5ha. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ hỗ trợ nông dân trong tỉnh thu tín chỉ cácbon trên 100.000ha lúa ứng dụng phương pháp AWD.

Trước khi ký kết biên bản ghi nhớ với Sở NN&PTNT, Cty TNHH Faeger cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhằm cộng tác trong việc triển khai các dự án và thử nghiệm trên toàn bộ khu vực tại Việt Nam.

Siết chặt mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu nông sản

Xác định xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị nông sản tại thị trường trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng MSVT trên các loại nông sản chủ lực của tỉnh như thanh long, sầu riêng, chanh,...

Đến nay, toàn tỉnh có 294 lượt MSVT với tổng diện tích 14.121,95ha xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, châu Âu, Nga, Anh, Trung Quốc. Trong đó, thanh long 229 mã số (MS), chanh 41 MS, dưa hấu 13 MS, sầu riêng 5 MS, xoài 2 MS, chuối 2 MS, khoai lang 1 MS, mít 1 MS. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 161 MSCSĐG đối với các loại nông sản như thanh long, chanh, chuối, mít, xoài,...

Ngoài ra, toàn tỉnh có 11 lượt MSVT hoàn chỉnh hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật nhưng chưa được cấp MS đối với các sản phẩm: Chanh, sầu riêng, khoai lang; 1 lượt MS sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra trực tuyến, có báo cáo khắc phục và đang chờ kết quả.

Với 1,5ha sầu riêng được cấp MSVT, ông Hồ Minh Chí (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) bán sầu riêng thuận lợi và giá cao hơn. “Nhờ có MSVT mà việc liên kết với các Cty thu mua dễ dàng hơn. Qua đó, góp phần giúp gia đình tôi ổn định đầu ra nông sản, tránh tình trạng bị thương lái ép giá mỗi khi vào mùa thu hoạch rộ” - ông Chí cho biết.

Ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát mã số vùng trồng sầu riêng tại huyện Tân Thạnh

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cấp, quản lý MSVT, MSCSĐG vẫn còn gặp một số khó khăn như nhận thức của nông dân về quản lý, duy trì điều kiện, quy định đối với vùng trồng chưa cao; chưa thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đặt và quản lý bẫy ruồi đục quả; chưa có ý thức trong việc thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã qua sử dụng;...

Cùng với đó, gần đây có không ít lô hàng nông sản (thanh long, chuối, sầu riêng, mít) vi phạm về kiểm dịch thực vật. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của nông sản tỉnh nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung; đồng thời, đặt ra các thách thức lớn trong quản lý MSVT, MSCSĐG. Nếu tình trạng vi phạm xảy ra liên tục có thể đẩy các ngành hàng xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam đến nguy cơ mất thị trường.

Toàn tỉnh có 2 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Hiện nay, yêu cầu về SVT, MSCSĐG để truy xuất nguồn gốc được quan tâm nhưng thiếu đội ngũ làm công tác giám sát vùng trồng; người dân, cơ sở chưa thực hiện tốt hoặc chưa duy trì các quy định;...

Do đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh, đẩy mạnh công tác xây dựng MSVT; siết chặt công tác quản lý, giám sát vùng trồng; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật, thực hiện giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp MS theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu”./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết