Tiếng Việt | English

09/04/2016 - 10:32

Tuyển sinh theo nhóm trường có tăng cơ hội cho thí sinh?

Do lần đầu tiên thực hiện tuyển sinh theo nhóm trường, nhiều thí sinh băn khoăn về quyền lợi khi đăng ký xét tuyển.

“Cơ hội của thí sinh được mở rộng hơn và các trường trong nhóm sẽ giảm bớt tình trạng “trúng tuyển ảo”- là khẳng định của đại diện nhóm trường tuyển sinh do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì.

Tránh thí sinh bị “trượt oan”

Đến thời điểm này đã có 10 trường ĐH tham gia tuyển sinh theo nhóm trường. ĐH Bách khoa HN cùng các trường thành viên đã thống nhất phương thức tuyển sinh chung (gọi tắt là nhóm GX). Phương thức tuyển sinh này vẫn đảm bảo quyền tự chủ của các trường trong việc phân định và xác định chỉ tiêu dự kiến cho từng nhóm ngành, quy định điều kiện được đăng ký xét tuyển vào trường, tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành... Điều kiện duy nhất để tham gia vào nhóm GX là chỉ lấy kết quả từ kỳ thi Quốc gia để tuyển sinh.

PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN khẳng định: Khi tham gia tuyển sinh theo nhóm trường, cơ hội của thí sinh được mở rộng hơn. Cách tuyển sinh theo nhóm cũng giảm thiểu tình trạng “trúng tuyển ảo” cho các trường tham gia. Thí sinh cũng được hưởng lợi từ điều này vì đã có trúng tuyển ảo thí chắc chắn có thí sinh “trượt oan”.

Giảm ảo cho trường, tăng cơ hội cho thí sinh
Tuy nhiên, do lần đầu tiên thực hiện tuyển sinh theo nhóm trường, nhiều thí sinh băn khoăn về quyền lợi khi đăng ký xét tuyển vào nhóm các trường này. Việc truyền thông thông tin tuyển sinh của các trường trong nhóm sẽ được quảng bá trên tất cả website các trường thành viên. “Đối với việc đăng ký xét tuyển vào nhóm trường sẽ không phức tạp hơn đăng ký thông thường. Thí sinh sẽ có mẫu đăng ký riêng nhưng chỉ thay đổi một ít về phương thức xét tuyển 4 nguyện vọng theo thứ tự…” - ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa HN lưu ý thí sinh.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, cũng khẳng định: Bộ cũng đã phê duyệt đề án tuyển sinh nhóm trường GX dựa vào tính khả thi: Chung cách xét tuyển, chỉ dùng kết quả thi THPT Quốc gia. Giải pháp tuyển sinh nhóm sẽ hạn chế tình trạng trên, bởi vì nhóm đã tập hợp được nguyện vọng của thí sinh đăng ký vào phần mềm dữ liệu chung. Điều này tốt cho các trường và có lợi cho thí sinh. Hiện nay, Bộ cũng đang xem xét đề án tuyển sinh theo nhóm của ĐH Đà Nẵng ở khu vực này. Càng đông trường tham gia nhóm thì càng giảm “ảo”.

Theo phân tích của nhiều trường tham gia, tuyển sinh theo nhóm có lợi cho thí sinh là khả năng trúng tuyển cao. Việc lượng “trúng tuyển ảo” cao sẽ dẫn tới khả năng nhiều thí sinh “trượt oan” vì điểm trúng tuyển sẽ bị đẩy lên cao, khi điểm xuống thì thí sinh cũng mất cơ hội vì đã trót đăng ký vào trường khác.

Tiếp tục nhận trường tham gia nhóm

Ngày 7/4, PGS Trần Văn Tớp cho biết, từ nay đến 22/4, nhóm 10 trường ĐH xét tuyển chung sẽ mở rộng với các trường có nhu cầu tham gia nhóm. Đề án tuyển sinh theo nhóm GX sẽ không hạn chế bất kỳ trường nào có nhu cầu tham gia tuyển sinh chung. Tuy nhiên, điều kiện để tham gia là các trường này phải xét tuyển theo một phương thức chung của nhóm: Sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia và phải cam kết tuân thủ đề án này.

Thời hạn chốt số thành viên tuyển sinh theo nhóm trường là ngày 22/4. Như vậy các trường ngoài công lập cũng có thể tham gia đề án xét tuyển nhóm, chỉ trừ những trường xét tuyển bằng học bạ THPT. Chia sẻ với báo chí, ông Trần Văn Tớp cho biết, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã mời một số trường, tuy nhiên, cũng có trường còn muốn nghe ngóng, cân nhắc lợi ích trước khi tham gia. Thực tế là, các trường tham gia nhóm cũng tính đến việc có lợi hay không?

Nếu trường không có thương hiệu hoặc trường dân lập chỉ lấy điểm bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT, hay trường xét tuyển qua học bạ thì họ chắc không tham gia khi không có lợi. Bởi dù chỉ tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ thôi cũng đã khó thu hút được thí sinh vào trường.

Ngay sau ngày 22/4, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập Ban chỉ đạo để họp triển khai Đề án, đồng thời đưa ra các giải pháp, tiên liệu trước các vấn đề khó khăn có thể xảy ra. “Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định đây chỉ là khó khăn về kỹ thuật, xử lý thông tin chứ không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh” - ông Tớp khẳng định./.

Đến thời điểm 7/4 có 10 thành viên nhóm GX

* Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Trường ĐH Xây dựng; Trường ĐH Ngoại thương; Trường ĐH Thủy lợi; Trường ĐH Giao thông vận tải; Trường ĐH Mỏ-Địa chất; Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội; Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải; Học viện Ngân hàng

*Lưu ý thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào nhóm trường: Ngoài 2 cách theo quy đinh của quy chế (đăng ký trực tuyến hoặc gửi phiếu ĐKXT đến địa chỉ của trường nguyện vọng 1 qua đường bưu điện) thì có thêm phương thức nữa là, nộp trực tiếp phiếu ĐKXT tại một trường bất kỳ thuộc nhóm.

Thí sinh khi đăng ký xét tuyển theo nhóm trường chỉ được tối đa 4 trường trong nhóm, nếu đăng ký 2 trường trong nhóm sẽ không đăng ký được trường bên ngoài nhóm.

 VOV.VN/Theo Thu Hằng/Báo Tiếng nói Việt Nam

Chia sẻ bài viết