Tiếng Việt | English

15/11/2021 - 11:02

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống hiện đại

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các tổ chức, người dân dần chuyển nhiều hoạt động sang môi trường Internet, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác phòng, chống dịch, học tập, làm việc, mua sắm,... Tuy nhiên, để ứng dụng CNTT an toàn, người dùng cần tăng cường trang bị những kiến thức, kỹ năng liên quan tới việc bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng Internet.

 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống hiện đại

Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19

Ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh dịch bệnh

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chính quyền các cấp và người dân trong tỉnh đã chủ động hơn trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong toàn tỉnh triển khai sâu, rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm việc cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử và duy trì quét mã QR hàng ngày để kiểm soát thông tin người vào, ra khi đến địa điểm làm việc, nơi tập trung đông người.

Từ tháng 5/2021 đến nay, Đoàn Thanh niên các cấp trong toàn tỉnh tổ chức hàng trăm đợt ra quân đồng loạt từ tỉnh đến 188 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thành lập 300 đội hình ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế Ncovi và Bluezone trên thiết bị thông minh. Đoàn Thanh niên tỉnh còn phối hợp 3 nhà mạng: Vinaphone, MobiFone và Viettel cử cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân viên đến từng nhà dân hỗ trợ cài đặt ứng dụng phòng, chống dịch.

Chị Cao Thị Thu Thương (huyện Tân Thạnh), làm việc tại một doanh nghiệp ở TP.Tân An, cho biết, kể từ lúc cài đặt Bluezone, ngày nào chị cũng mở ứng dụng để kiểm tra xem mình đang ở khu vực có tiếp xúc với người nghi nhiễm hay không, cũng như đọc các tin tức liên quan đến dịch Covid-19. Đồng thời, chị còn hướng dẫn gia đình, người thân cách quét mã QR để khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc, tránh lây nhiễm Covid-19.

Hiện nay, ứng dụng PC-Covid được thiết kế để thay thế và tích hợp các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 đã triển khai trước đây như Bluezone, NCOVI, Tờ khai y tế, Khai báo mã QR,... Bên cạnh tiếp tục triển khai sử dụng ứng dụng PC-Covid để tạo, dán mã QR địa điểm, quét mã QR, khai báo y tế,... tỉnh còn triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ phục vụ các hoạt động liên quan đến phòng, chống dịch như nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, phần mềm bản đồ thống kê Covid-19, sổ tay điện tử văn bản chỉ đạo điều hành phòng, chống Covid-19,...

Ngoài ra, các hoạt động như giáo dục trực tuyến, làm việc từ xa trở thành bắt buộc trong thời điểm đại dịch diễn biến phức tạp. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Từ đó, việc dạy, học online đã trở thành một trong những hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò.

Thầy Cao Văn Muốn - giáo viên Trường THCS Thị trấn Cần Đước, chia sẻ, chỉ với chiếc máy tính xách tay có kết nối Internet, được cài đặt phần mềm Zoom trực tuyến, thầy và trò đã có thể thao tác việc dạy, học. Việc dạy, học trực tuyến, giao bài tập về nhà cho học sinh qua mạng xã hội Zalo, Facebook,… bước đầu phát huy hiệu quả tích cực như tiết kiệm thời gian, dễ dàng sử dụng và an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Người dùng Internet đọc tin tức về dịch Covid-19 thông qua app Bluezone

Người dùng Internet đọc tin tức về dịch Covid-19 thông qua app Bluezone

Tự bảo vệ bản thân

Bên cạnh sự tiện lợi của việc ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch cũng như làm việc, học tập, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin do sự bất cẩn của người dùng hoặc lỗ hổng bảo mật khiến đối tượng xấu có cơ hội đánh cắp thông tin hoặc tấn công mạng.

Trong thời điểm này, hàng ngày, có rất nhiều thông tin cập nhật về đại dịch Covid-19 và người dân thường ít chú ý khi click và truy cập thông tin này. Đây cũng chính là điểm yếu mà các đối tượng xấu lợi dụng để tấn công.

Những kẻ tấn công có thể phát tán mã độc mã hóa dữ liệu, email lừa đảo và các phần mềm độc hại, tận dụng các từ khóa liên quan đến Covid-19 để lừa người dùng nhấp vào liên kết độc hại,... Rất nhiều phương thức tấn công có thể được sử dụng và khi thành công, hacker có thể xâm nhập vào email, máy tính của người dùng, đánh cắp thông tin, hình ảnh, hoạt động cá nhân và các thông tin có giá trị khác như dữ liệu tài chính cá nhân. Kéo theo đó là có thể mất tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bị dùng thông tin, hình ảnh cá nhân để đứng tên khoản nợ. Do đó, những kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng Internet trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Để giúp người dân và các tổ chức bảo đảm an toàn thông tin trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 như hiện nay, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) xây dựng cẩm nang bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19. 

Theo đó, hướng dẫn các thao tác an toàn, cài đặt bảo mật đối với hoạt động làm việc từ xa an toàn, học trực tuyến an toàn, liên lạc kết nối an toàn, giải trí an toàn,... hướng dẫn một số kỹ năng, thao tác cơ bản giúp người dùng Internet trên cả điện thoại và máy tính có thể bảo đảm an toàn thông tin khi thao tác với các ứng dụng trực tuyến.

Ngoài ra, vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức tập huấn trực tuyến chuyên đề nâng cao kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội và phòng tránh những văn hóa phẩm độc hại trên không gian mạng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên được tìm hiểu nội dung kiến thức cơ bản về khái niệm Internet, mạng xã hội, cách tiếp cận những mặt tốt, phòng tránh những điều xấu trên mạng xã hội,…

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi cho biết, những kiến thức, kỹ năng liên quan tới việc bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng Internet trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong giai đoạn hiện nay. Nó giúp người dùng Internet có thể phần nào bảo đảm an toàn thông tin cũng như bảo vệ bản thân./.

Người dùng Internet có thể tìm đọc cẩm nang bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19 tại trang web:

http://baochinhphu.vn/Uploaded/phungthithuhuyen/2021_08_18/ Cam-nang-bao-dam-ATTT-trong-dai-dich-Covid-19.pdf

Trà Long

Chia sẻ bài viết