Tiếng Việt | English

19/03/2021 - 11:05

Điểm sáng ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những giải pháp quan trọng giúp huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện các TTHC.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện Cần Giuộc có những đột phá mới, góp phần tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện Cần Giuộc có những đột phá mới, góp phần tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính

Tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp

Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý hành chính tiếp tục được huyện Cần Giuộc vận hành, khai thác thông qua các phần mềm: Một cửa điện tử, Quản lý văn bản và điều hành, Quản lý cán bộ công chức, Quản lý hồ sơ một cửa,... Hiện hạ tầng CNTT của huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ công việc. 100% cơ quan, đơn vị kết nối Internet và sử dụng thường xuyên hộp thư điện tử; tỷ lệ ký số đạt trên 99% và trao đổi văn bản điện tử đạt gần 100%.

Đặc biệt, tận dụng hệ thống CNTT sẵn có, huyện triển khai nhiều giải pháp góp phần tạo sự hài lòng cho người dân, DN khi tham gia giải quyết TTHC. Trong đó, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình CCHC và triển khai xây dựng chính quyền điện tử, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

“Thông qua triển khai DVCTT mức độ 3, 4, chúng tôi có thể làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có kết nối Internet. Chúng tôi chỉ cần đến 1 lần để nhận kết quả và thanh toán lệ phí tại Trung tâm Hành chính công huyện; giảm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ như trước” - ông Lê Ngọc Hùng, ngụ thị trấn Cần Giuộc, chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, từ khi đẩy mạnh triển khai, ứng dụng DVCTT trong giải quyết TTHC đã góp phần tăng tính công khai, minh mạch; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về CNTT của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC,... góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính

Xây dựng chính quyền vì dân phục vụ

“Hàng năm, ngoài việc lấy ý kiến khảo sát mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc giải quyết TTHC, chúng tôi còn tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, DN về hoạt động tiếp nhận, trả kết quả TTHC (chủ yếu tại bộ phận “một cửa”). Qua đó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, DN; từ đó, có kế hoạch, giải pháp điều chỉnh để phục vụ khách hàng được tốt hơn” - Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm.

Nhằm từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền vì dân phục vụ, thời gian tới, từ hệ thống CNTT sẵn có, huyện chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên tất cả TTHC. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh công tác hỗ trợ, hướng dẫn, phổ cập kỹ năng để người dân, DN nộp hồ sơ trực tuyến, góp phần nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến của DVCTT tỉnh.

Song song đó, huyện tiếp tục chú trọng ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; chuyển đổi sử dụng phần mềm Một cửa điện tử mới; đổi mới phương thức làm việc, đẩy mạnh khai thác và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động quản lý hành chính; tập trung rà soát, bảo đảm phát huy hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo và điều hành, vận hành và khai thác hiệu quả Trung tâm Hành chính công huyện; triển khai và thực hiện tốt cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 đối với một số TTHC trên địa bàn.

Dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối Internet. Nếu trước đây, muốn đăng ký thủ tục hành chính phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Nay, mọi việc liên quan đến thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện tại nhà hay ở cơ quan, đơn vị; đồng thời, có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, văn phòng phẩm./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết