Tiếng Việt | English

20/12/2018 - 16:59

Ứng phó, bảo vệ, phát triển hạt gạo Việt Nam trước biến đổi khí hậu

Ngày 20/12, tại Long An, Ban Tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần III - năm 2018 tổ chức Hội thảo "Xâm nhập mặn và khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Thực trạng - giải pháp ứng phó, bảo vệ và phát triển hạt gạo Việt Nam”. Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, chuyên gia, nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo tham dự.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long

Theo PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí (Đại học Cần Thơ), biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang có những tác động tiêu cực đến ĐBSCL: Ngập lụt, xâm nhập mặn, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng, nước biển dâng,… Hơn 40% diện tích ĐBSCL bị ngập úng nếu nước biển dâng 1m, các địa phương ven biển sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, gây thách thức lớn cho sự phát triển đồng bằng. Năng suất và sản lượng lúa sẽ giảm, ảnh hưởng sinh kế của người dân.

Từ đó, PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí đề ra chiến lược thích ứng: Kết hợp giữa giải pháp công trình và giải pháp mềm (cải thiện sinh kế cộng đồng địa phương trong khu vực); tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội - môi trường, đề ra các chiến lược lợi ích ngắn hạn và dài hạn,…

PGS-TS Nguyễn Văn Sánh (nguyên Viện trưởng Viện Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ) thông tin: Sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL đóng góp 40% GDP ngành nông nghiệp, hơn 50% tổng sản lượng lúa quốc gia, 90% sản lượng lúa xuất khẩu, 60% tổng sản lượng thủy sản,…Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL gặp những thách thức lớn do BĐKH gây ra, nhất sản xuất lúa. Nông dân, doanh nghiệp lĩnh vực này sẽ chịu nhiều thiệt hại và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Ông đưa ra giải pháp nông nghiệp thông minh trong việc ứng phó, bảo vệ, phát triển lúa gạo. Thứ nhất, thông minh về thị trường (phân tích thị trường và cạnh tranh; chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản phẩm chủ lực; xây dựng thể chế, tổ chức và chính sách). Thứ hai, cạnh tranh sản phẩm gạo thông minh. Thứ ba, phát triển chuỗi giá trị canh tác lúa thông minh.

Giám đốc Agresult - Trần Thu Hà trình bày về giải pháp canh tác lúa giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp khác hiến kế để phát triển hạt gạo trước thách thức của BĐKH hiện nay. Các đại biểu cũng thảo luận tập trung giải pháp áp dụng vào thực tế: Thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng trên diện rộng các gói công nghệ canh tác lúa giảm phát thải, thích ứng BĐKH; tập trung ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa bền vững và nâng cấp chuỗi qua công cụ SRP hiện nay; nghiên cứu lúa ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, đại biểu thảo luận về giải pháp chính sách và liên kết vùng cho việc phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, một số thắc mắc của đại biểu cũng được chuyên gia giải đáp, làm rõ./.

Thanh Mỹ

 

Chia sẻ bài viết