Tiếng Việt | English

22/05/2019 - 01:45

Ứng phó với dịch tả heo châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

Chiều 21/5, Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Trần Văn Cần chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo châu Phi (DTHCP) nhằm tăng cường các giải pháp chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần chỉ đạo cuộc họp

Đến nay, cả nước có 29 địa phương xảy ra bệnh DTHCP với tổng số heo tiêu hủy hơn 1,5 triệu con. Hiện nay, tình hình bệnh DTHCP diễn biến phức tạp, mức độ lây lan nhanh, bệnh đã xảy ra tại các tỉnh miền Nam Trung bộ và Nam bộ (Đồng Nai, Bình Phước và Hậu Giang).

Long An là tỉnh có nguy cơ xảy ra dịch rất cao vì là cửa ngõ nối Đông Nam bộ với Đồng Bằng Sông Cửu Long và có các tuyến biên giới giáp Campuchia (tỉnh Tatanakiri đã xảy ra dịch); đồng thời, có lưu lượng phương tiện vận chuyển heo sống, sản phẩm từ heo, các phương tiện vận chuyển khác đi từ vùng dịch vận chuyển qua địa bàn tỉnh. Long An cũng là tỉnh có lượng heo giết mổ tập trung nhiều, đa số là nguồn heo ngoài tỉnh (các tỉnh có dịch) nhập vào giết mổ, cung cấp chủ yếu cho thị trường TP.HCM với 2.500 con/đêm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh báo cáo tình hình chống dịch tả heo châu Phi

2 tháng nay, số heo ngoài tỉnh nhập vào các cơ sở giết mổ, cơ sở thu gom trên địa bàn tỉnh là 184.019 con, trong đó, số heo nhập từ 14 tỉnh có dịch là 87.481 con, chiếm 47,54% số heo nhập vào tỉnh.

Trước tình hình trên, Long An triển khai Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTHCP. UBND các huyện, thị xã và thành phố cũng ban hành các văn bản triển khai công tác phòng, chống DTHCP, không để DTHCP xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác chống dịch còn nhiều khó khăn về nhân sự, chế độ bồi dưỡng cho người tham gia các chốt; công tác phòng, chống dịch tại địa phương thiếu thông tin về tình hình dịch bệnh từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, đa phần cán bộ phụ trách thú y tại cơ sở phần lớn là kiêm nhiệm, không có trình độ chuyên môn về thú y để thực hiện hoạt động về phòng, chống dịch. Người chăn nuôi chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, thực hiện chưa bảo đảm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch.

Đồng thời, chưa quản lý, kiểm soát được các điểm giết mổ heo không được cấp phép tại địa phương. Heo ngoại tỉnh nhập về các điểm thu gom rất phức tạp và khó kiểm soát; chưa có giải pháp kiểm soát sản phẩm chế biến từ thịt heo (chả lụa, nem chua,…) hoặc thịt heo đông lạnh nhập tỉnh.

Để kiểm soát và ngăn chặn DTHCP xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống, ứng phó dịch bệnh, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương chỉ đạo bộ phận liên quan thường xuyên kiểm tra tại các điểm chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển heo qua địa bàn; tiếp tục thông tin, tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hành chăn nuôi tốt và an toàn dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi; khi dịch bệnh xảy ra phải báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 06/3/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTHCP và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống DTHCP nói riêng và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung, trong đó, đề nghị tăng cường tuyên truyền cho các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, thực hiện tốt đợt tiêm phòng theo khuyến cáo của ngành thú y, xây dựng các giải pháp ứng phó khi bệnh DTHCP xảy ra trên địa bàn tỉnh./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết