Tiếng Việt | English

25/10/2023 - 09:03

Ứng phó với hạn, mặn từ sớm

Theo dự báo của ngành chuyên môn, năm nay, hạn, xâm nhập mặn sẽ đến sớm và kéo dài đến đầu năm 2024. Trước tình hình này, các địa phương tỉnh Long An tích cực đưa ra nhiều giải pháp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, góp phần bảo vệ vùng sản xuất và đời sống người dân.

Nông dân xả lũ, ngâm đồng để chuẩn bị sản xuất vụ mới

Vụ Hè Thu 2023, gia đình ông Nguyễn Văn Phước (ấp 3, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) sản xuất 3ha lúa, giống IR4625. Do giá lúa tăng cao, chi phí sản xuất thấp và lúa đạt năng suất nên gia đình ông thu lợi nhuận gần 25 triệu đồng/ha. Dù vậy, ông vẫn không nôn nóng gieo sạ sớm ngoài lịch thời vụ mà xả lũ, ngâm đất, cày xới để diệt hết mầm bệnh, cho đất nghỉ ngơi và lấy lại phù sa.

Ông Phước chia sẻ: “Đây là vụ Hè Thu đạt lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tôi không gieo sạ sớm vì nghe các ngành chức năng khuyến cáo năm nay hạn, xâm nhập mặn đến sớm; đồng thời, diện tích lúa không có đê bao khép kín. Hiện diện tích đất của gia đình tôi đã ngâm lũ hơn 1 tháng”.

Ông Nguyễn Phi Hưng (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cũng nắm được thông tin năm 2023, hạn, mặn xuất hiện sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng. Do đó, vụ Thu Đông năm nay, ông chọn giống lúa ngắn ngày để gieo sạ, tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hiện diện tích lúa phát triển tốt, dự kiến sẽ đạt năng suất, chất lượng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong mùa khô năm 2023-2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mêkông (trạm Kratie - Campuchia) về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từng tháng có xu thế giảm dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều với xu thế xuống dần.

Trong các tháng mùa khô 2023-2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn Vùng ĐBSCL khả năng đến sớm, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Các địa phương Vùng ĐBSCL cần sớm có biện pháp chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn.

Hàng năm, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ đều bị ảnh hưởng bởi thiếu nước, xâm nhập mặn. Để ứng phó với hạn, xâm nhập mặn năm nay, Hội Nông dân xã khuyến cáo nông dân gieo sạ các loại giống ngắn ngày hoặc chuyển sang các loại cây trồng khác. Riêng những vùng đất nằm ở cuối nguồn nước mà chưa gieo sạ sớm thì vận động nông dân không gieo sạ. Còn những vùng có nước thì tranh thủ xuống giống ngay.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ - Võ Hoàng Huy thông tin: “Thời gian tới, Hội tiếp tục cập nhật độ mặn trên các nhánh sông để có biện pháp dự trữ nước kịp thời. Ngoài ra, Hội còn phối hợp các ngành chuyên môn chuyển giao khoa học - kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,... Riêng những vùng cây ăn trái, nông dân cần nạo vét kênh, mương, bơm dự trữ nước ngọt trước khi mùa khô đến”.

Nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Thủ Thừa chủ yếu từ sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Theo dự báo, hạn, mặn sẽ giống năm 2015-2016, ảnh hưởng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện. Vì vậy, để ứng phó với hạn, mặn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Phan Văn Tới cho biết giải pháp: “Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung khuyến cáo nông dân về lịch gieo sạ, trong đó, lịch gieo sạ vụ Đông Xuân đợt 1 từ ngày 13/11 đến 25/11/2023, đợt 2 từ ngày 10/12 đến 25/12/2023.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn có diện tích lúa Thu Đông gieo sạ muộn thì vận động nông dân không gieo sạ vụ Đông Xuân. Ngành Nông nghiệp huyện rà soát lại hệ thống kênh, mương để có kế hoạch nạo vét, dự trữ nước, bảo đảm nước ngọt phục vụ sản xuất”. Được biết, vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, huyện có trên 17.000ha.

Hạn, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Thế nhưng, với sự chủ động ứng phó, tin rằng, tỉnh sẽ thắng lợi “kép” trong đợt hạn, mặn sắp đến./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết