Tiếng Việt | English

23/01/2017 - 16:17

Ước mong tết tới, được về quê!

Tết về, bên cạnh những cửa hàng, những quán ăn được trang trí lung linh, đầy sắc màu thì đâu đó, ta vẫn còn bắt gặp hình ảnh những gánh hàng rong của những người còn gánh nặng cơm áo gạo tiền...


Bên cạnh những chiếc xe, gánh hàng rong là những phận đời buồn, nhất là mỗi khi tết đến

Gánh nặng nỗi lo

Đó là những người nghèo tảo tần mưu sinh, họ không có một chỗ buôn bán cố định, mà rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm. Dì Hai - tên thật của dì là gì, chúng tôi cũng chưa tiện hỏi, chỉ quen gọi là dì Hai khi thường xuyên ghé mua những xiên que. Giữa những hối hả của nhịp sống thị thành, những cuộc mưu sinh của dì vẫn luôn vất vả, dì tâm sự: "Những người bán hàng rong như tôi chẳng ngại đường xa, bất kể ngày nắng hay mưa, vẫn ngày ngày rong ruổi trên các tuyến đường trong thành phố, cố gắng đi bán nhiều hơn, mong kiếm thêm một chút tiền để có được cái tết đầy đủ hơn cho gia đình".

Ở một góc chợ đêm, hằng ngày, có một xe đẩy bán cá viên, bò viên chiên, chị Lê Thị Thảo, 47 tuổi cho biết: "Quê tôi ở Sóc Trăng, lấy chồng nhưng không hạnh phúc, tôi dắt đứa con nhỏ lên Long An thuê nhà trọ ở phường 3 để buôn bán. Ngày nào, tôi cũng ra công viên này bán, tuy lời không nhiều nhưng cũng trang trải được cuộc sống của 2 mẹ con và dành dụm chút ít gửi về quê nhờ ông bà ngoại nuôi mấy đứa con dưới quê. Tết đến nhớ nhà lắm, cũng muốn về thăm nhưng tết là dịp buôn bán được nhất nên nghỉ cũng tiếc!".

Sau buổi bán hàng vất vả, ngày 30 tết, những người bán hàng rong lại trở về căn nhà chật chội, nghỉ ngơi và hy vọng năm mới mua may bán đắt hơn…


Tết đến nhưng nhiều người vẫn không có điều kiện về quê

Nỗi buồn tha hương

Từ mỗi xe, mỗi gánh hàng rong, những người buôn bán cũng đang hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Dì Hai bán cá viên chiên chia sẻ: "Mặc dù vất vả, đi sớm về khuya nhưng ngày nào kiếm được 100.000 – 200.000 đồng, thấy vui lắm”.

Trong một tối đi làm về muộn, phía trước cửa sân vận động, chúng tôi gặp người đàn ông chừng 40 tuổi ngồi bên xe đẩy bán hột gà nướng. Dáng người đen nhẻm, gầy còm, chúng tôi lân la hỏi chuyện được biết anh tên Lê Văn Thành, quê ở Kiên Giang đến đây bán hàng rong được hơn 1 năm.

Anh trải lòng: "Chẳng ai giống tôi, đúng là số phận đưa đẩy. Quê nghèo, việc làm không có, học hành chẳng được bao nhiêu, tôi đành phải đi bán hàng rong. Lên TP.HCM hơn 2 năm thuê nhà trọ cùng 2 người bạn khác, làm đủ nghề nhưng nhưng vẫn không khá. Thấy các anh chị cùng quê bán hột gà nướng, tôi bắt chước làm theo. Vậy là mấy tháng nay, cứ khoảng 4 giờ chiều, tôi đẩy xe ra đây bán đến gần 10 giờ đêm mới về tới phòng trọ, tuy vất vả nhưng mỗi ngày cũng kiếm được hơn 100.000 đồng tiền lời, tết này chắc tôi cũng không về quê, ở lại bán kiếm thêm chút tiền".

Hầu hết những người bán hàng rong đều xa quê, khi chúng tôi hỏi có hay về quê thăm gia đình không thì họ đều lắc đầu với vẻ mặt ưu tư và những câu trả lời buồn bã: “Chưa có điều kiện về thăm quê”.

Tết, ai chẳng muốn sum họp gia đình nhưng với những người bán hàng rong xa quê lại phải mưu sinh bên những chiếc xe đẩy, bên những gánh hàng rong với ước mong tết tới, được về quê!

Song Hồng

Chia sẻ bài viết