Đặc biệt là phải có tầm nhìn, công tâm, không tư lợi, biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Người đứng đầu phải có tính quyết đoán, đưa ra những quyết định trên cơ sở suy xét, nắm bản chất vấn đề, dự đoán diễn biến sự việc,... Quyết đoán không có nghĩa là dùng quyền lực của mình để áp đặt mà còn phải biết kết hợp hài hòa giữa tình và lý. Đứng trước một vấn đề phức tạp đòi hỏi người đứng đầu phải bình tĩnh, bản lĩnh, sáng suốt,... để đưa ra quyết định đúng đắn, đặt lợi ích tập thể lên trên.
Một trong những tố chất quan trọng của người lãnh đạo giỏi chính là khả năng truyền cảm hứng làm việc cho cấp dưới để họ có thêm động lực làm tốt công việc của mình. Chính cách “truyền lửa” tạo hứng khởi cho cấp dưới trong quá trình làm việc tạo nên nguồn năng lượng tích cực, phát huy hiệu quả lao động. Thử nghĩ, một người lãnh đạo luôn cau có, áp đặt, chỉ thích nghe những lời khen, tán tụng và sẵn sàng trù dập những ai góp ý những khuyết điểm của mình thì liệu có làm cho cấp dưới phục? Chính từ sự bất mãn sẽ gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Người lãnh đạo giỏi, không lợi ích nhóm và làm tất cả vì lợi ích tập thể bởi khi tập thể phát triển thì sự đồng thuận sẽ cao và người lãnh đạo hưởng lợi từ cái lợi của tập thể.
Bên cạnh đó, người lãnh đạo cần hòa mình vào tập thể, tự tạo động lực làm việc cho chính bản thân và truyền cảm hứng tới cấp dưới thông qua các hoạt động chung. Có như vậy, cấp dưới mới cảm thấy được tôn trọng và cùng đoàn kết thực hiện nhiệm vụ vì sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị./.
Minh An